Nhật "phớt" cảnh báo, Trung Quốc đưa tàu uy hiếp

13:27, 11/09/2012
|

(VnMedia) - Phớt lờ những cảnh báo sắc lạnh của Trung Quốc, chính phủ Nhật Bản sáng nay (11/3) đã trao hợp đồng mua bán chính thức quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cho gia đình ông Kurihara – những người chủ sở hữu tư nhân của quần đảo này, hãng tin NHK đưa tin.
 
Theo NHK, tại một cuộc họp diễn ra sáng nay, nội các Nhật Bản đã quyết định trích tiền từ ngân quỹ dự trữ của họ để mua lại một phần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang nằm trong tranh chấp với Trung Quốc. Dự kiến, chiều nay, chính phủ Nhật Bản sẽ ký một hợp đồng mua bán với “người chủ tư nhân” của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Cụ thể, Nhật Bản sẽ mua lại 3 trong số 5 hòn đảo chưa có người sinh sống thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với giá 2,05 tỉ Yên Nhật (tương đương 26,15 triệu USD) từ gia đình ông Kurihara. 

Trước đó, ngày hôm qua (10/9), Tổng thư ký Nội các Nhật Bản – ông Osamu Fujimura thông báo, chính phủ Nhật Bản đã quyết định quốc hữu hoá quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bất chấp sự phản đối gay gắt của Trung Quốc. Động thái đầy thách thức này của Tokyo đã khiến Bắc Kinh “sôi sùng sục”. Giới quan chức nước này liên tiếp đưa ra những lời đe doạ, cảnh báo Nhật Bản. 

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, Bắc Kinh sẽ “không ngồi yên để chủ quyền lãnh thổ bị xâm phạm". "Trung Quốc kêu gọi mạnh mẽ Nhật Bản ngay lập tức chấm dứt tất cả các hành động gây phương hại đến chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc và trở lại bàn đàm phán để giải quyết tranh chấp. Nếu Nhật Bản tiếp tục đi theo hướng này, họ sẽ phải đối mặt với những hậu quả khủng khiếp sau đó”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo. Tuy nhiên, Bộ này không cho biết cụ thể đó là những hậu quả gì.

Quyết liệt hơn, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nhấn mạnh, nước này sẽ “tuyệt đối không nhượng bộ” trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Ông này khẳng định, “Điếu Ngư là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc”. Theo tin từ Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc cho biết, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì đã triệu tập Đại sứ Nhật tại Bắc Kinh đến để phản đối.

Trung Quốc điều tàu bán quân sự đến uy hiếp Nhật Bản?
 
Sau khi đưa ra lời cảnh báo về hậu quả khủng khiếp mà Nhật Bản sẽ phải đối mặt nếu xúc tiến mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, chính phủ Trung Quốc đã điều tàu tuần tra bán quân sự đến gần quần đảo tranh chấp với Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Đây là dấu hiệu cho thấy, Trung Quốc rất tức giận và sẵn sàng trả đũa hành động thách thức của Nhật Bản.
 
Hãng tin Tân Hoa xã cho biết, hai chiếc tàu tuần tra của Cục Giám sát Hàng hải Trung Quốc đã đến vùng lãnh hải ngoài khơi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong ngày hôm nay.
 
Cục Giám sát Hàng hải Trung Quốc là một lực lượng bán quân sự. Tàu tuần tra của cơ quan này đều được trang bị vũ khí hạng nhẹ. Tân Hoa xã dẫn lời một quan chức thuộc Cục Giám sát Hàng hải cho biết, họ đã lên kế hoạch hành động để “bảo vệ chủ quyền” đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và sẽ “hành động phụ thuộc vào diễn biến tình hình”. 

Cả Bắc Kinh và Tokyo đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản thì gọi là Senkaku. Chùm đảo này nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan. Senkaku/Điếu Ngư là quần đảo có nguồn cá dồi dào và có thể có cả dầu mỏ. Quần đảo này cũng gần với các tuyến đường biển quan trọng.

Tranh chấp quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nguyên nhân khiến cho mối quan hệ Trung-Nhật nhiều lần rơi vào căng thẳng. Cuộc đối đầu mới nhất giữa Trung Quốc và Nhật Bản được châm ngòi từ sự kiện một nhóm các nhà hoạt động Trung Quốc hôm 15/8 đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cắm cờ nhằm mục đích “khẳng định chủ quyền của Trung Quốc” đối với vùng lãnh thổ này. Sau sự kiện này, hai bên liên tục có những hành động đáp trả “ăn miếng trả miếng lẫn nhau” khiến cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng và kéo dài đến nay.

Điều đáng chú ý là trong thời gian vừa qua, Nhật Bản liên tục tỏ thái độ thách thức, nhất quyết không chịu lùi bước trước Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Điều này đã khiến Bắc Kinh thật sự khó chịu và tức giận.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc