(VnMedia) - Mỹ hôm qua (12/9) đã đưa một nhóm lính thủy đánh bộ tinh nhuệ đổ bộ vào thủ đô Tripoli của Libya sau khi xảy ra vụ tấn công khiến Đại sứ Mỹ cùng 3 nhân viên ngoại giao của nước này chết thảm.
Khoảng 50 lính thủy đánh bộ đã lên đường tới Libya để bảo vệ các cơ sở ngoại giao của Mỹ ở nước này. Những lính thủy đánh bộ được cử đi là thành viên của một nhóm tinh nhuệ được biết đến với cái tên Đội An ninh chống khủng bố (FAST). Đội này có nhiệm vụ phản ứng nhanh trước những thông báo hay đe dọa khủng bố.
Theo phân công, nhóm lính thủy đánh bộ Mỹ, xuất phát từ một căn cứ ở Tây Ban Nha, sẽ đến Đại sứ Mỹ ở Tripoli trước chứ không phải đến Benghazi – nơi xảy ra vụ tấn công vào tòa Lãnh sự quán Mỹ. Ở đây, nhóm lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ có trách nhiệm bảo vệ Đại sứ quán của nước này.
Mỹ đang muốn điều tra xem liệu vụ tấn công nhằm vào Lãnh sự quán của họ là đòn đáp trả một cuốn phim do Mỹ sản xuất, bị cho là xúc phạm đến đấng tiên tri Mohammed, hay là một âm mưu khủng bố nhân dịp kỷ niệm 11 năm ngày xảy ra sự kiện 11/9 kinh hoàng.
Vụ tấn công bất ngờ hôm 11/9 vào tòa Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi đã đặt ra một nhiệm vụ thách thức đối với các nhà điều tra Mỹ và Libya: đó là tìm kiếm những kẻ gây ra vụ tấn công ở một thành phố tràn ngập vũ khí hạng nặng, những chiến binh, các nhóm Hồi giáo được vũ trang trong khi có rất ít cảnh sát kiểm soát tình hình an ninh.
Biệt thự một tầng được dùng làm tòa Lãnh sự quán Mỹ hiện tại bị tàn phá nặng nề sau khi đám đông được trang bị súng máy và lựu đạn vác vai tấn công vào đây. Những khẩu hiệu “Thánh Allah vĩ đại” hay “Muhammad là Nhà tiên tri của Thánh Allah” được viết nguệch ngoạc trên khắp những bước tường cháy nham nhở. Người dân Libya đi lại tự do trong những căn phòng cháy đen với đồ đạc và giấy tờ đổ vỡ, rơi vãi khắp nơi.
Tổng thống Barack Obama đã cam kết tại Vườn Hồng rằng, Mỹ sẽ “phối hợp chặt chẽ với chính phủ Libya để mang công lý đến cho những người bị giết hại”.
Vụ tấn công ở Libya hôm 11/9 đã cướp đi sinh mạng của Đại sứ Chris Stevens, Giám đốc Thông tin của Lãnh sự quán Sean Smith và hai người Mỹ khác chưa được xác định danh tính. 3 người Mỹ cũng đã bị thương trong vụ tấn công nói trên.
Ông Stevens là Đại sứ Mỹ đầu tiên chết trong khi đang làm nhiệm vụ trong vòng 30 năm trở lại đây.
"Chúng tôi bác bỏ mọi nỗ lực nhằm phỉ báng niềm tin tôn giáo của người khác nhưng tuyệt đối không có bất cứ biện minh cho hành động bạo lực vô nhân tính này”, Tổng thống Obama tuyên bố. Ông này đã ra lệnh tăng cường an ninh tại các cơ quan ngoại giao của Mỹ ở nước ngoài.
Ban đầu, người ta nghĩ rằng vụ tấn công ngày 11/9 ở Libya là hành động tự phát được khích động từ làn sóng phản đối một bộ phim chống Hồi giáo của Mỹ. Bộ phim này đã châm ngòi cho những cuộc biểu tình rầm rộ ở thủ đô Cairo, Ai Cập. Những người biểu tình đã trèo lên tòa nhà của Đại sứ quán Mỹ, xé lá cờ của nước này và thay thế nó bởi một lá cờ của người Hồi giáo.
Tuy nhiên, một quan chức chống khủng bố của Mỹ cho biết, vụ bạo lực ở Benghazi “được phối hợp quá nhuần nhuyễn và chuyên nghiệp” nên nó không thể là hành động tự phát. Chủ tịch Quốc hội Lybia – ông Omar al-Houmidan cũng ám chỉ, vụ tấn công này có thể là do khủng bố gây ra và nó đã được lên kế hoạch từ trước. Theo lời ông Houmidan, đám đông tấn công có cả những người nước ngoài – đây rõ ràng là phát biểu ám chỉ đến những kẻ khủng bố quốc tế.
Giới lãnh đạo mới ở Libya đã nhanh chóng lên tiếng xin lỗi Mỹ về cuộc tấn công mà họ miêu tả là “hèn nhát” này đồng thời cam kết sẽ truy tìm bằng được những thủ phạm đã gây ra vụ tấn công nói trên.
Vụ tấn công kinh hoàng và sự bất lực của lực lượng an ninh Libya
Có thể nói, vụ tấn công xảy ra hôm 11/9 ở Benghazi thực sự kinh hoàng. Nó diễn ra như thể ở một nước không có kiểm soát về an ninh và điều đó đã bộc lộ rõ những hạn chế lớn trong lực lượng an ninh của Libya thời hậu Gaddafi.
Đám đông gồm vài ngàn người được trang bị súng máy và lựu đạn vác vai đã xông về phía tòa Lãnh sự quán Mỹ. Một nhóm an ninh nhỏ bảo vệ tòa Lãnh sự quán đã bắn lên không trung để thị uy đám đông. Tuy nhiên, đối mặt với hỏa lực mạnh hơn và số lượng người áp đảo, lực lượng an ninh Libya đã nhanh chóng phải rút đi.
Những tay súng ngay lập tức tràn vào tòa nhà, cướp bóc tài sản và đốt phá đồ đạc. Chi tiết về việc Đại sứ Mỹ Chris Stevens chết trong hoàn cảnh nào hiện vẫn chưa rõ. Chỉ biết rằng, ông Stevens, 52 tuổi, và một nhân viên của lãnh sự quán đã bị thiệt mạng ngay trong đợt tấn công đầu tiên. Các nhân viên còn lại đã được sơ tán thành công sang một tòa nhà gần bên để chờ được đưa tới Sân bay Benghazi, bay tới thủ đô Tripoli.
Vài giờ sau khi oanh tạc Lãnh sự quán Mỹ, một nhóm tay súng dã tấn công một tòa nhà khác, nổ súng vào hơn 30 người Mỹ và Libya ở bên trong đó. Thêm 2 người Mỹ thiệt mạng trong vụ tấn công này.
Bác sĩ Ziad Abu Zeid, người cấp cứu cho Đại sứ Stevens, cho biết, ông này chết vì ngạt khói. Trong một dấu hiệu cho thấy tình hình vô cùng rối loạn khi vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ xảy ra, ông Stevens đã được những người Libya đưa đến Trung tâm Y tế Benghazi mà không có người Mỹ nào đi cùng. Không ai ở trung tâm biết ông Stevens là ai.
Bác sĩ Zeid cho biết, ông đã nỗ lực tìm cách cứu Đại sứ Stevens trong suốt 90 phút nhưng đã không thành công.
Vụ tấn công tòa Lãnh sự quán Mỹ khiến nhiều người Libya ngạc nhiên, nhất là khi Đại sứ Stevens được coi là một đại diện ngoại giao Mỹ khá được lòng dân ở Libya. Các phe nhóm chính trị, những chính khách, trong đó có cả người Hồi giáo biết rất rõ về ông Stevens. Ông này là người ủng hộ cho cuộc nổi dậy của họ chống lại Tổng thống Gaddafi.
Lãnh đạo của một nhóm Hồi giáo cực đoan ở Libya lên tiếng phủ nhận việc họ có liên quan đến vụ tấn công. “Chúng tôi không bao giờ ủng hộ việc giết hại dân thường, đặc biệt là những người đã giúp chúng tôi. Chúng tôi là những người có giáo dục và có tín ngưỡng”, lãnh đạo của nhóm Ansar al-Shariah cho biết.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc