(VnMedia) - “Tầng thứ 84 văn phòng phía tây, 12 người mắc kẹt”. Đó là 7 chữ cuối cùng mà Randy Scott để lại mặt đất sau khi “tan biến vào hư không” trong cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng hôm 11/9/2001. Dòng tin nhắn ớn lạnh với những con chữ nguệch ngoạc trên tờ giấy còn vương vết máu đã được truyền qua nhiều tay người trước khi đến với gia đình của ông Randy Scott 10 năm sau đó.
Ông Randy Scott – một cư dân sống ở Connecticut, đã để lại dòng tin nhắn với 3 chữ cuối cùng là "người mắc kẹt" vào buổi sáng ngày 11/9/2001 khi Trung tâm Thương mại Thế giới bị tấn công. Ông Scott đã ra đi vào ngày định mệnh đó nhưng dòng tin nhắn ông để lại vẫn còn nguyên sau khi toà tháp đôi cao vời vợi sụp đổ. Nó đã được truyền tay hết người này đến người khác trong suốt gần 10 năm trước khi cuối cùng đến được gia đình thân yêu của ông Scott.
Vợ ông Scott - bà Denise chỉ biết được về tờ giấy nhắn của chồng vào một ngày tháng 8 năm ngoái. Trước đó, bà Denise tin rằng, chồng mình đã chết ngay lập tức sau khi chuyến bay 175 đâm thẳng vào toà tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới – gần các văn phòng của Euro Brokers – nơi ông Scott đang làm việc. Những dòng chữ nguệch ngoạc của ông Scott đã phá mất những ý nghĩ vớt vát của gia đình ông Scott rằng người thân của họ đã được “chết một cách nhẹ nhàng, nhanh chóng”.
"10 năm qua, tôi đã hy vọng rằng, chồng tôi không bị mắc kẹt trong toà nhà đó", bà Denise, 57 tuổi, tâm sự với tờ báo Stamford Advocate. Bên cạnh bà Denise là hai 2 trong số 3 cô con gái của mình - Rebecca, 29 tuổi, và Alexandra, 22 tuổi. "Bạn không muốn họ phải chịu đựng. Họ bị mắc kẹt trong một toà nhà đang bốc cháy. Đó là một nỗi khủng khiếp không thể nói được thành lời. Bạn nhận được tin nhắn này 10 năm sau đó. Nó đã thay đổi tất cả mọi thứ”.
Dòng tin nhắn không chỉ chứa đựng những lời cuối cùng của ông Scott mà nó còn có vết máu của ông này. Một cuộc thử nghiệm ADN đã cho kết quả tương thích với máu của ông Scott và đây là manh mối giúp giới chức ở New York tìm đến được gia đình của ông Scott.
Ông Scott đã gọi điện được cho người vợ thân yêu Denise trước khi để lại dòng tin nhắn ớn lạnh trên. Vào thời điểm đó, Toà tháp đôi mới bị đâm cú đầu tiên và tổn thất không lớn. Vì vậy, ông Scott muốn để lại tin nhắn chỉ đơn giản để cho vợ mình biết rằng, ông vẫn ổn. Trong khi đó, bà Denise thì không hề hay biết về những vụ tấn công khủng bố nhằm vào khu vực văn phòng nơi chồng làm việc cho đến khi con gái Rebecca của bà gọi điện từ Ohio.
Những ngày sau đó, gia đình Scott điên cuồng tìm kiếm người thân khắp các bệnh viện với hy vọng người chủ của gia đình có thể thoát được cái chết. Hy vọng rồi cũng nhạt dần. Tuy nhiên, họ vẫn có chút niềm tin rằng, văn phòng của ông Scott chỉ gần chứ không phải là nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của các vụ tấn công nên ông này đã có được một cái chết nhẹ nhàng, nhanh chóng.
Nhưng chỉ cách đây hơn một năm, khi cả nước Mỹ kỷ niệm 10 năm xảy ra loạt vụ tấn công khủng bố kinh hoàng, bà Denise đã nhận được cú điện thoại từ một tiến sĩ yêu cầu xác nhận xem liệu dòng tin nhắn mà họ có được có phải của ông Randy Scott hay không.
"Đó là một thứ được viết tay. Khi nhìn thấy tờ giấy nhắn đó, tôi cảm thấy rụng rời", bà Denise nhớ lại thời khắc nhận được dòng tin nhắn của chồng.
"Giờ phút tôi nhìn thấy tờ giấy, tôi đã không cần đến kết quả xét nghiệm ADN. Tôi nhìn những chữ được viết bằng tay. Đó chính xác là chữ viết của chồng tôi”, bà Denise cho hay.
Bà Denise được cho biết, bà đã nhận lại được tờ giấy nhắn của chống sau đúng một thập kỷ. Tờ giấy này đã rơi từ tầng 84 của toà nhà. Một người đi đường đã nhặt được nó và ngay lập tức trao lại cho một bảo vệ tại Ngân hàng Dự Trữ Liên bang trước khi Toà tháp đôi sụp đổ.
Người bảo vệ đã đến chỗ điện đàm để báo cáo và toà nhà biến mất. Toà nhà đó đã đổ sập.
Chi nhánh của Ngân hàng Dự trữ Liên bang đã gìn giữ tờ giấy nhắn của ông Scott trước khi trao lại nó cho Bảo tàng và Đài tưởng niệm Quốc gia Ngày 11/9. Và một cuộc tìm kiếm gia đình của ông Scott bắt đầu.
“Tờ giấy nhắn đó cực kỳ hiếm. Tôi không biết bất kỳ thứ gì như thế. Có nhiều mẩu giấy khác được ném ra từ toà nhà trong ngày đó, chúng chứa đựng một số câu chuyện mạnh mẽ. Tuy nhiên, không có thứ gì hiếm, lạ thường, truyền cảm hứng, buồn và cảm động như dòng tin nhắn của ông Scott", bà Jan Ramirez, người quản lý bảo tàng, cho biết.
Bà Denise sau này đã cho phép bảo tàng được trưng bày tờ giấy nhắn để lại những dòng chữ cuối cùng của chồng mình.
Kiệt Linh -
(theo Foxnews, NYDailynews)
Ý kiến bạn đọc