Hàng ngàn người Trung Quốc biểu tình, tấn công Đại sứ quán Nhật

18:43, 15/09/2012
|

(VnMedia) - Hàng ngàn người biểu tình Trung Quốc sáng nay (15/9) đã bao vây Đại sứ quán Nhật Bản tại thủ đô Bắc Kinh, ném trứng, đất đá và chai lọ vào tòa nhà này đồng thời đốt cờ Nhật Bản. Vụ biểu tình bạo lực này diễn ra sau khi Nhật Bản quyết định mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang nằm trong tranh chấp với Trung Quốc.
 
Cuộc đối đầu giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bắt đầu nổi lên từ sự kiện hôm 15/8 khi một nhóm người Trung Quốc đổ bộ lên quần đảo tranh chấp để cắm cờ “khẳng định chủ quyền”. Cuộc đối đầu này bắt đầu leo thang nghiêm trọng hồi tuần này khi Nhật Bản tuyên bố đã ký hợp đồng chính thức mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ tay các chủ sở hữu tư nhân.
 
Phản ứng trước động thái trên của Nhật Bản, chính phủ Trung Quốc tuyên bố “sẽ không lùi một bước” trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với nước láng giềng.
 
Trong khi đó, hàng ngàn người Trung Quốc sáng nay đã kéo đến Đại sứ quán Nhật Bản tại thủ đô Bắc Kinh để biểu tình. Những người biểu tình này đã giương cao các khẩu hiểu mang đầy tính khiêu khích như: “Vì sự tôn trọng đối với đất mẹ, chúng ta phải chiến tranh với Nhật Bản” hay “Hãy trả lại các hòn đảo cho chúng tôi”...
 
Cùng với những khẩu hiệu, banner mang tính khiêu khích, những người biểu tình còn tấn công Đại sứ quán Nhật Bản bằng cách ném trứng, chai lọ và đất đá về phía tòa nhà này. Cảnh sát chống bạo động đã phải nỗ lực dùng lá chắn và dùi cui để đẩy lùi đám đông trở lại khi họ tìm cách tiến ngày một sát vào tòa nhà Đại sứ quán Nhật Bản.
 
Ngoài cuộc biểu tình hỗn loạn ở thủ đô Bắc Kinh, hơn một chục cuộc biểu tình chống Nhật Bản khác đã nổ ra ở nhiều thành phố của Trung Quốc. Một số cuộc biểu tình đã biến thành bạo lực khi người biểu tình tấn công các nhà hàng, doanh nghiệp Nhật Bản. Hàng trăm cảnh sát đã được triển khai đến một cuộc biểu tình ở Lãnh sự quán Nhật Bản tại thành phố Thượng Hải. Một loạt cuộc biểu tình rầm rộ cũng đã diễn ra ở Tây An, Tô Châu, Quý Châu và Nam Kinh, báo chí Nhật Bản đưa tin.
 
Hãng thông tấn Kyodo tin rằng, đây là những cuộc biểu tình chống Nhật lớn nhất xảy ra ở Trung Quốc kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1972.
 
Trước tình hình diễn ra nghiêm trọng như vậy, Ngoại trưởng Nhật Bản đã phải cắt ngắn chuyến thăm đến Australia để về nước giải quyết tình hình.
 
“Trung Quốc sẽ không tránh chiến tranh với Nhật”
 
Cuộc tranh chấp lãnh thổ quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là một trong những nguyên nhân chính khiến quan hệ giữa hai cường quốc Châu Á Trung Quốc và Nhật Bản thường xuyên rơi vào căng thẳng. Cơn sóng gió mới nhất nổi lên từ hồi tháng trước sau khi Nhật Bản bắt giữ một nhóm các nhà hoạt động Trung Quốc đổ bộ lên quần đảo này.
 
Các nhà ngoại giao tin rằng, cả Tokyo và Bắc Kinh muốn giữ cho cuộc tranh chấp này không leo thang nhưng việc kiểm soát tình hình có thể sẽ rất khó khăn bởi Trung Quốc đang trải qua một cuộc chuyển giao quyền lực lịch sử trong khi Nhật Bản có khả năng sắp tổ chức bầu cử sớm.
 
Trong bối cảnh nhạy cảm này, giới lãnh đạo ở cả hai nước đều không được phép thể hiện sự mềm mỏng hay nhượng bộ bởi điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của họ trước công chúng.
 
Đảng Cộng sản Trung Quốc hiếm khi cho phép các cuộc biểu tình diễn ra bởi họ muốn duy trì sự ổn định. Trong khi Bắc Kinh đang đứng trước sức ép mạnh mẽ buộc họ phải cứng rắn với Nhật Bản thì chính quyền cũng đang phải tính những bước đi thận trọng để các cuộc biểu tình chống Nhật không vượt quá tầm kiểm soát.
 
"Tôi nghĩ, chính phủ đang khuyến khích các cuộc biểu tình”, một người biểu tình có tên là Uda Chen cho biết.
 
"Họ đáng ra có thể đã ngăn chặn tất cả chúng tôi tiến lên khi chúng tôi đang ở nhà ga tàu điện ngầm. Chính phủ dạy chúng tôi chống Nhật khi chúng tôi ở trường. Vì vậy, nếu họ muốn chúng tôi dừng biểu tình thì nó giống như là họ đang tự tát vào mồm mình”, Uda nói thêm.
 
Tờ Thời báo Hoàn cầu – một tờ báo thuộc tờ People's Daily của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho rằng, lùi bước không phải là một lựa chọn cho Trung Quốc. “Trung Quốc nên tự tin là có thể lấn át được Nhật Bản. Quân đội Trung Quốc nên tăng cường chuẩn bị và củng cố khả năng răn đe trước Nhật Bản”, tờ báo trên viết như vậy.
 
Tờ Thời báo Hoàn cầu thậm chí còn tuyên bố, “Trung Quốc sẽ không lảng tránh nếu Nhật Bản lựa chọn giải pháp quân sự”. Tờ Thời báo Hoàn cầu vốn là một tờ báo luôn có lập trường diều hâu, hiếu chiến trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.

Dưới đây là một vài hình ảnh về những cuộc biểu tình chống Nhật ở Trung Quốc ngày hôm nay:

 Ảnh minh họa
 
 Ảnh minh họa
 
 Ảnh minh họa
 
 Ảnh minh họa
 
 Ảnh minh họa
 
 Ảnh minh họa


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc