Căng thẳng với Nhật, Trung Quốc triển khai tàu sân bay đầu tiên

15:52, 25/09/2012
|

(VnMedia) - Trung Quốc hôm nay (25/9) đã chính thức đưa tàu sân bay đầu tiên của nước này vào hoạt động trong bối cảnh căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở vùng biển Hoa Đông đang sôi lên sùng sục. Hành động phô diễn sức mạnh hải quân này của Trung Quốc đã khiến nhiều nước láng giềng quan ngại.
 
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cho biết, tàu sân bay đầu tiên của họ ban đầu được đặt tên là Varyag. Tuy nhiên, sau đó, Trung Quốc đã quyết định đặt lại tên con tàu này là Liêu Ninh, theo tên của một tỉnh phía đông bắc Trung Quốc có thủ phủ là Đại Liên. Đại Liên chính là nơi con tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được đại tu và đưa vào thử nghiệm.
 
Phát biểu về sự kiện trên, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay, việc đưa tàu sân bay đầu tiên vào hoạt động sẽ giúp “tăng sức mạnh toàn diện của Hải quân Trung Quốc” và sẽ giúp Bắc Kinh “bảo vệ hiệu quả chủ quyền, an ninh và các lợi ích phát triển".
 
"Sự kiện tàu sân bay đầu tiên gia nhập vào biên chế trong quân đội cũng sẽ giúp tăng cường mức độ hiện đại hoá của các lực lượng đang hoạt động trong hải quân Trung Quốc”, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết thêm trên trang web www.mod.gov.cn.
 
Tàu sân bay vốn được xem là thứ vũ khí bá chủ trên đại dương, là biểu tượng sức mạnh trên biển của bất kỳ quốc gia nào sở hữu nó. Chính vì vậy, Trung Quốc coi tàu sân bay Liêu Ninh là niềm tự hào của Lực lượng Hải quân bởi đây là lần đầu tiên nước này được sở hữu một chiếc siêu tàu chiến như vậy.
 
"Khi tất cả các cường quốc lớn, và thậm chí là những nước trung và nhỏ đều sở hữu tàu sân bay thì Trung Quốc cũng nên phải có tàu sân bay của riêng mình", Thiếu tướng Hải quân Yang Yi đã viết như vậy trong một bài báo được đăng tải trên tờ China Daily số ra ngày hôm nay.
 
Trong khi Trung Quốc tỏ ra rất tự hào về chiếc tàu sân bay đầu tiên của mình thì nhiều nhà phân tích lại không đánh giá cao về sức mạnh của con tàu này.
 
Thực hư sức mạnh tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc
 
Trung Quốc đưa tàu sân bay đầu tiên vào hoạt động đúng thời điểm căng thẳng với Nhật Bản leo thang. Nhiều người tin rằng, động thái của Bắc Kinh là có chủ ý, nhằm phô trương sức mạnh hải quân để thị uy nước láng giềng cứng rắn. Ngoài ra, Trung Quốc cũng muốn thể hiện sức mạnh của mình để cảnh báo Mỹ trong bối cảnh Bắc Kinh đang lo ngại về chính sách “quay trở lại Châu Á” của Washington.
 
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, khi được đưa vào sử dụng, tàu sân bay Liêu Ninh sẽ chỉ có một vai trò rất hạn chế, chủ yếu là để huấn luyện và thử nghiệm trước khi Trung Quốc trình làng chiếc tàu sân bay tự chế đầu tiên của họ sau năm 2015.
 
Các nhà phân tích cũng cho rằng, những nước láng giềng của Trung Quốc không nên quá quan ngại về chiếc tàu sân bay đầu tiên của nước này. "Trung Quốc đang triển khai thêm một bước đi nhằm củng cố năng lực hải quân chiến lược của mình. Nếu họ đưa tàu sân bay vào hoạt động thì chúng ta cũng chưa có gì đáng phải lo ngại về ảnh hưởng của nó gây ra đối với sự cân bằng lực lượng giữa một bên là Mỹ và Nhật Bản với bên kia là Trung Quốc. Tàu sân bay của Trung Quốc không có gì vượt trội”, một nhà phân tích Nhật Bản nhận định.
 
Tàu sân bay của Trung Quốc vốn là một chiếc tàu cũ được nước này mua lại từ Ukraine cách đây hơn một thập kỷ. Trung Quốc đã tiến hành nâng cấp, đại tu con tàu này để biến nó trở thành tàu sân bay đầu tiên của họ. Con tàu này đã trải qua khoảng 10 lần thử nghiệm trên biển và lần nào thông tin về nó cũng được đưa rầm rộ trên khắp các mặt báo.
 
Bất chấp những dự đoán ồn ào trong dân chúng Trung Quốc về việc chiếc tàu sân bay của họ sẽ sớm trở thành con tàu chỉ huy của Hải quân, các chuyên gia quốc phòng khẳng định, con tàu được kỳ vọng đó thiếu máy bay tấn công, vũ khí, thiết bị điện tử, các thiết bị đào tạo và cung cấp hậu cần để có thể trở thành một chiếc tàu chiến thực sự có khả năng chiến đấu.
 
Bản thân các sĩ quan cấp cao của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa cũng từng thừa nhận, chiếc tàu có trọng tải 60.000 tấn của họ còn lâu mới sẵn sàng hoạt động và nó cần phải trải qua những cuộc thử nghiệm và huấn luyện ở mức cao nữa.
 
"Vạn Lý Trường Thành không phải chỉ xây dựng trong một ngày", Đại tá Lin Bai thuộc Tổng cục Vũ khí Trung Quốc đã nói như vậy trên các website chính thức của chính phủ Trung Quốc.
 
Theo các nguồn tin trên các trang blog và website quân sự không chính thức của Trung Quốc, nước này đang có kế hoạch đóng tàu sân bay ở căn cứ đóng tàu trên đảo Chanxing thuộc xưởng đóng tàu Jiangnan, gần Thượng Hải. Tuy nhiên, các nhà phân tích chuyên nghiệp và không chuyên qua tìm hiểu những hình ảnh thu được từ vệ tinh tại các nhà máy đóng tàu của Trung Quốc đã không phát hiện ra bất kỳ dấu hiệu nào chứng tỏ, Trung Quốc đang tự đóng tàu sân bay.
 
Dù tàu sân bay Trung Quốc được cho chỉ là “một con hổ giấy” nhưng các quan chức Trung Quốc vẫn tranh thủ dùng con tàu này để thị uy các nước đang có tranh chấp lãnh thổ với họ.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc