(VnMedia) - Trung Quốc mới đây đã hạ thủy chiếc tàu tuần tra lớn nhất và “tối tân nhất” của nước này trong một nỗ lực được tuyên bố là để ‘khẳng định chủ quyền hàng hải”. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng đang leo thang nghiêm trọng vì những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Tàu tuần tra mới mang tên Hải tuần 01 đã được hạ thủy ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc dịp cuối tuần vừa rồi. Đây là con tàu tuần tra đầu tiên có khả năng thực hiện cả nhiệm vụ giám sát hàng hải và cứu hộ, Cục Hàng hải Thượng Hải (SMB) – nơi quản lý con tàu, cho biết.
"Việc hạ thủy tàu Hải tuần 01 là một phần của nỗ lực đang được đẩy mạnh của Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền hàng hải và nâng cao khả năng cứu hộ ở các vùng ven biển”, tờ China Daily của Trung Quốc hôm nay (30/7) đã tuyên bố như vậy.
Theo tuyên bố được SMB phát đi, con tàu mới sẽ hoạt động ở “vùng lãnh hải của Trung Quốc”, tìm kiếm và cứu người ở vùng biển, điều tra các cuộc tranh chấp hàng hải, giám sát các giếng dầu và tiến hành những hoạt động khẩn cấp.
Tàu Hải tuần 01 có trọng tải 5.418 tấn, có thể lai dắt hoặc dập tắt các đám cháy trên những con tàu khác. Nó có thể chạy với tốc độ 37km/giờ và đạt hải trình tối đa là 18.520km mà không cần tiếp nhiên liệu. Trực thăng có thể cất cánh và hạ cánh trên boong tàu. Hải tuần 01 có thể chứa được 200 người.
"Động thái mới trên đã phát đi một tín hiệu mạnh mẽ với thế giới rằng, Trung Quốc đang nỗ lực đẩy mạnh hoạt động giám sát ở vùng biển của mình”, ông Ni Lexiong, một chuyên gia về chính sách hàng hải ở trường Đại học Thượng Hải cho biết. Theo ông này, Trung Quốc đang hành động để bảo vệ “các quyền hợp pháp” khi mà các cuộc tranh chấp lãnh hải với các nước khác nổi lên gần đây.
"Trong quá khứ, các hạm động tuần tra, giám sát đại dương hay hạm đội của các cơ quan ngư nghiệp chủ yếu là những con tàu cũ được thải ra từ lực lượng hải quân. Hiện tại, chúng ta đang đóng những chiếc tàu mới, hiện đại hơn và đưa chúng vào sử dụng”, ông Ni nói thêm.
Trung Quốc có khoảng 300 tàu hải giám, trong đó có 30 tàu có trọng tải hơn 1.000 tấn, và 10 máy bay, gồm 4 máy bay trực thăng, đang thực hiện nhiệm vụ giám sát hàng hải. Nước này có kế hoạch đóng thêm 36 tàu giám sát vào năm 2013.
Động thái hạ thủy tàu tuần tra “tối tân” của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh nước này đang khiến cộng đồng thế giới phẫn nộ bởi một loạt hành động ngang ngược ở khu vực Biển Đông gần đây. Một trong những hành động ngang ngược đó là việc Trung Quốc thông báo thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý hơn 200 đảo nhỏ, bãi cát và bãi đá ngầm ở 3 quần đảo lớn thuộc Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Sau khi dựng lên chính quyền ở đây, Trung Quốc tiếp tục thông báo kế hoạch đưa quân đến đồn trú ở cái gọi là “thành phố Tam Sa” này. Đúng như một chuyên gia quốc tế đã nhận định, Trung Quốc đang thực hiện chính sách "ngoại giao súng ống".
Hành động vi phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam nói trên đã vấp phải sự phản đối gay gắt không chỉ của Việt Nam mà của cả dư luận thế giới và người dân ở chính Trung Quốc.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh hải ở khu vực Biển Đông với một loạt nước gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Biển Đông vốn là khu vực giàu dầu mỏ, khí đốt và là nơi có nhiều tuyến đường hàng hải chiến lược quan trọng. Vì tầm quan trọng của Biển Đông, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm khu vực biển này. Điều đó đã được thể hiện rõ qua lập trường, chính sách cũng như những hành động ngang ngược, hung hăng và hiếu chiến của Trung Quốc trong thời gian vài năm trở lại đây.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc