Tổng thống Assad tuyên bố xem thường quyền lực

12:31, 05/07/2012
|

(VnMedia) - Trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây, Tổng thống Syria Bashar Assad tuyên bố, quyền lực “chẳng có nghĩa lý gì với tôi” và ông sẵn sàng từ bỏ nó.
 
"Nếu sự ra đi của Tổng thống đem lại lợi ích cho Syria thì Tổng thống nên tự động từ chức. Đây là điều hiển nhiên. Bạn không nên cố bám trụ trong văn phòng của mình nếu nhân dân không muốn bạn. Và các cuộc bầu cử là phương tiện để người dân thể hiện họ có muốn bạn hay không”, Tổng thống Assad đã phát biểu như vậy trên tờ Cumhuriyet của Thổ Nhĩ Kỳ.
 
Ông Assad đã có cuộc trả lời phỏng vấn tờ báo trên hôm Chủ nhật (1/7), một ngày sau khi Nga, Trung Quốc cùng với Mỹ và các cường quốc lớn khác kêu gọi Syria thành lập một chính phủ chuyển tiếp có sự tham gia của tất cả các đảng phái, phe nhóm chính trị. Đây sẽ là chính phủ thể hiện sự đoàn kết dân tộc.
 
Phe nổi dậy Syria phản đối lời kêu gọi trên bởi họ không đồng ý thành lập bất kỳ chính phủ nào có sự tham gia của Tổng thống Assad và các thành viên nội các của ông này. Trong khi đó, chính phủ Syria lại hoan nghênh thoả thuận của các cường quốc. Ông Assad nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất là tất cả mọi việc đều phải được định đoạt bên trong đất nước Syria chứ không phải do các lực lượng bên ngoài”.
 
Qua những phát biểu trên, Tổng thống Assad cho thấy rõ quan điểm, ông sẵn sàng từ chức nếu đó là điều nhân dân Syria mong muốn. Ông Assad muốn số phận của ông được định đoạt qua một cuộc bầu cử.
 
Nga phủ nhận đàm phán bí mật với Mỹ về số phận ông Assad
 
Liên quan đến số phận Tổng thống Assad, Nga hôm qua (4/7) đã lên tiếng bác bỏ thông tin cho rằng, nước này vừa có những cuộc thảo luận bí mật với Mỹ về việc cấp quy chế tị nạn cho Nhà lãnh đạo Syria.
 
"Tình hình tương lai của ông Assad không phải là vấn đề được đem ra thảo luận giữa Nga và Mỹ”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga – ông Sergei Ryabkov cho hãng tin Interfax biết. Thứ trưởng Ryabkov nhấn mạnh, Nga phản đối bất kỳ giải pháp nào từ nước ngoài áp đặt lên tình hình Syria.
 
Trước đó cùng ngày, tờ nhật báo kinh doanh Kommersant dẫn một nguồn tin ngoại giao Nga cho biết, các cường quốc phương Tây đang nỗ lực tìm cách thuyết phục Nga mời Tổng thống Assad đến nước này và trao cho ông ta quy chế tị nạn chính trị. Đây được xem là lối thoát mà phương Tây muốn mở ra cho ông Assad và cũng là cách để họ giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria. Tuy nhiên, Moscow đã phản đối kế hoạch đó.
 
Trong cuộc khủng hoảng kéo dài suốt 16 tháng qua ở Syria, Nga cùng với Trung Quốc là hai nước ủng hộ mạnh mẽ cho Tổng thống Assad, phản đối mọi sự can thiệp của nước ngoài vào đất nước Trung Đông này. Mỹ cùng với phương Tây đã nỗ lực tìm cách thuyết phục Nga ủng hộ kế hoạch lật đổ chính quyền Tổng thống Assad. Các nước này đã nhiều lần tung tin về việc Moscow quay lưng lại với người đồng minh Assad.
 
Tuy nhiên, các quan chức Nga sau đó đều lên tiếng phủ nhận những thông tin kiểu như trên. Moscow tuyên bố, việc ông Assad đi hay ở phải do chính người dân Syria quyết định. Moscow cũng khẳng định, nước này không có ý định cho phép Tổng thống Assad đến tị nạn chính trị ở Nga.
 
Trong lúc này, tình hình bạo lực ở Syria đang diễn biến ngày một nghiêm trọng. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc được đưa ra hồi tháng 5, đã có khoảng 10.000 người thiệt mạng kể từ khi cuộc nổi dậy ở đất nước Trung Đông bùng lên hồi tháng 3 năm ngoái.
 
Trong khi đó, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria có trụ sở ở London còn đưa ra con số khủng khiếp hơn. Theo tổ chức này, tính đến hồi đầu tuần này, đã có khoảng 16.500 thiệt mạng trong các vụ đụng độ giữa quân chính phủ và phe nổi dậy. Tháng 6 vừa qua được coi là tháng đẫm máu nhất trong cuộc khủng hoảng ở Syria khi trung bình mỗi ngày có khoảng 100 người chết vì các vụ bạo lực.
 
Trong bối cảnh bạo lực ở Syria diễn biến ngày một đẫm máu như vậy, các cường quốc vẫn bế tắc trong việc tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng này. Phát biểu trước các phóng viên ở thủ đô Damascus, người đứng đầu phái đoàn giám sát của Liên Hợp Quốc ở Syria chỉ trích, cộng đồng quốc tế đang nói quá nhiều nhưng làm quá ít trong việc ngăn chặn tình trạng bạo lực leo thang.

"Tôi có cảm giác, họ đang bàn bạc, thảo luận quá nhiều trong những khách sạn sang trọng, những cuộc họp hoành tráng nhưng quá ít hành động được đưa ra nhằm ngăn chặn bạo lực”, Thiếu tướng Robert Mood phát biểu.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc