Syria: Phe nổi dậy tuyên bố quyết chiến

08:13, 18/07/2012
|

(VnMedia) - Phe nổi dậy Syria hôm qua (17/7) tuyên bố, họ đang có trận quyết chiến cuối cùng nhằm giải phóng thủ đô Damascus. Trận chiến này có tên gọi là Chiến dịch Núi lửa Damascus và Động đất Syria. Theo lời phe nổi dậy, họ đang thực hiện một cuộc tổng tấn công vào chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
 
Tuyên bố trên được Quân đội Syria Tự do đưa ra trong bối cảnh các cuộc giao tranh ác liệt tiếp tục bùng lên dữ dội giữa quân chính phủ Syria và phe nổi dậy. Tình hình chiến sự căng thẳng ở thủ đô Damascus đã kéo dài nhiều ngày liên tiếp và đây là những cuộc giao tranh ác liệt nhất, đẫm máu nhất nổ ra ở thủ đô kể từ sau khi cuộc nổi dậy chống chính quyền Tổng thống Assad bùng lên hồi tháng 3 năm ngoái.
 
Ngày hôm qua, tiếng súng máy hạng nặng rộ lên khắp khu vực Quảng trường Bahrat ở thủ đô Damascus. Đây là nơi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad tiến hành các cuộc mít tinh đáp trả những cuộc biểu tình chống chính phủ trong thời gian qua. Diễn biến này cho thấy, chiến sự đã áp sát trung tâm quyền lực của chính quyền Tổng thống Assad.
 
Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria cho biết, chính phủ đã triển khai một loạt xe tăng, trực thăng ở quận Qaboon và những cuộc đụng độ giữa lực lượng chính phủ với phe nổi dậy cũng bùng lên ở hai khu vực Al-Midan và Al-Hajar Al-Aswad. Ít nhất 19 người đã thiệt mạng trong những cuộc giao tranh này.
 
Một nhà hoạt động ở Al-Midan cho biết, quân đội đã nã đạn điên cuồng vào khu vực. “Chính quyền sắp sụp đổ đang phát điên”, người đàn ông tự xưng là Abu Musab cho biết như vậy qua Skype.
 
Khi cuộc chiến áp sát ngày một gần đến trung tâm quyền lực của chính quyền Tổng thống Assad, phát ngôn viên của Quân đội Syria Tự do – Đại tá Kassem Saadeddine tự tin cho rằng, “chiến thắng đang đến rất gần” và cuộc chiến của họ sẽ tiếp tục cho đến khi thủ đô bị chinh phục.
 
"Chúng tôi đã chuyển cuộc chiến từ tỉnh Damascus đến thủ đô. Chúng tôi có một kế hoạch rõ ràng cho việc giành quyền kiểm soát hoàn toàn Damascus. Chúng tôi chỉ có vũ khí hạng nhẹ nhưng như thế cũng là đủ. Hãy chờ đợi sự bất ngờ”. Phe nổi dậy tuyên bố, họ đã bắn hạ được một máy bay trực thăng của quân đội Syria.
 
Trong khi các nhà hoạt động cho biết, những thông tin trên chưa được kiểm chứng thì chính phủ Syria cung cấp những thông tin hoàn toàn trái ngược.
 
Bộ trưởng Thông tin Syria – ông Omran Zoabi cho biết, các lực lượng an ninh Syria đã có cuộc giao tranh với những phần tử nổi dậy thâm nhập vào thủ đô và quân chính phủ đã buộc họ phải tháo chạy. Ông Zoabi phủ nhận những thông tin đăng tải trên báo chí về Syria, khẳng định đó là những thông tin “không phản ánh thực tế trên chiến trường Syria”.
 
"Những gì xảy ra là một số thành phần có vũ trang đã xâm nhập vào thủ đô Damascus và cố đột kích vào một trong những khu vực trong thành phố. Tuy nhiên, các lực lượng an ninh đã bao vây chúng và chiến đấu với chúng. Chúng tôi vẫn đang giao tranh với những kẻ xâm nhập đó”, Bộ trưởng Zoabi cho biết.
 
"Một số chiến binh đã phải đầu hàng, số khác phải tháo chạy và chúng đã bắn đạn bừa bãi lên trời để đe dọa người dân”, ông Zoabi nói thêm.
 
Annan “cầu cứu” Nga
 
Trong lúc này, đặc phái viên Liên Hợp Quốc và  Liên đoàn Ả-rập – ông Kofi Annan đã có chuyến công du tới Nga nhằm thuyết phục nước này ủng hộ nghị quyết sắp tới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề Syria.
 
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ tiến hành bỏ phiếu một nghị quyết mới do phương Tây phác thảo ra vào ngày mai (19/7). Nghị quyết này đe dọa sẽ trừng phạt giới chính quyền Syria nếu họ không chấm dứt sử dụng các vũ khí hạng nặng và rút quân khỏi các thành phố.
 
Theo nghị quyết mới, các nước phương Tây muốn đưa kế hoạch hoà bình của cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan vào thực hiện trong khuôn khổ Điều 7 của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Điều 7 cho phép các nước thực hiện những hành động từ trừng phạt kinh tế, ngoại giao đến can thiệp quân sự nếu Syria không thực hiện kế hoạch hoà bình của ông Annan. Mỹ nhấn mạnh, họ dùng đến Điều 7 của Hiến chương Liên Hợp Quốc để đưa thêm các lệnh trừng phạt chứ không đề cập đến biện pháp can thiệp quân sự.
 
Ngay sau khi thông tin về nghị quyết này được đưa ra, Nga đã lên tiếng phản đối và khẳng định sẽ không để nghị quyết đó được thông qua. Và ông Annan đã buộc phải có chuyến thăm khẩn cấp tới Nga nhằm thuyết phục nước này.
 
Phát biểu tại thủ đô Moscow, ông Annan đã nói với Tổng thống Putin rằng, cuộc nội chiến ở Syria “đang bước vào một giai đoạn nghiêm trọng”. Đáp lại, ông Putin tuyên bố sẽ “làm tất cả mọi việc” để ủng hộ kế hoạch hòa bình của ông Annan.
 
Tuy nhiên, sau đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng tái khẳng định, ông này “không thấy có lý do tại sao chúng tôi lại không thể đồng ý với nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Chúng tôi đã sẵn sàng cho điều đó".
 
Song song với chuyến đi của ông Annan, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng đến Trung Quốc nhằm thuyết phục nước này ủng hộ một hành động mạnh mẽ hơn nhằm vào Syria. Nga và Trung Quốc là hai nước có chung quan điểm, lập trường về Syria. Hai nước này phản đối mọi sự can thiệp từ bên ngoài vào tình hình nội bộ Syria. Moscow và Bắc Kinh đã dùng quyền phủ quyết bác bỏ hai nghị quyết trước đó của Hội đồng  Bảo an Liên Hợp Quốc về Syria.
 
Với lập trường mà Nga và Trung Quốc thể hiện trong thời gian qua, cuộc họp ngày mai của  Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được dự báo là sẽ khó thành công trong việc thông qua nghị quyết mới về Syria.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc