(VnMedia) - Cuộc xung đột ở Syria đã chính thức trở thành một cuộc nội chiến thực sự theo tuyên bố của Hội chữ thập đỏ. Tuyên bố này được đưa ra ngày hôm qua (15/6), đúng thời điểm thủ đô Damascus đang phải chứng kiến những cuộc giao tranh ác liệt nhất kể từ sau khi cuộc nổi dậy ở Syria nổ ra hồi tháng 3 năm ngoái.
Trước đó, Hội chữ thập đỏ (ICRC) đã xác định Idlib, Homs và Hama là những vùng chiến sự ở Syria. Tuy nhiên, khi tình hình bạo lực tiếp tục leo thang nhanh chóng và ngày một đẫm máu, ICRC đã chính thức tuyên bố cuộc khủng hoảng ở Syria bước vào một cuộc nội chiến thực sự. Sự thay đổi này đồng nghĩa với việc luật nhân đạo sẽ được áp dụng ở bất kỳ nơi nào xảy ra các cuộc giao tranh, đụng độ.
Những người tham gia chiến đấu ở Syria giờ đây sẽ phải chịu sự điều chỉnh của các Công ước Geneva. Như vậy, họ sẽ dễ bị truy tố vì các tội ác chiến tranh hơn.
Ông Sean Maguire, một phát ngôn viên của ICRC, cho biết, cả quân chính phủ và lực lượng nổi dậy cần phải ghi nhớ rằng, họ có nghĩa vụ phải “bảo vệ dân thường tránh bị thương vong trong các cuộc giao chiến. Họ cũng có nghĩa vụ phải điều trị cho những người bị thương mà không có bất kỳ sự phân biệt, đối xử nào ".
ICRC đã quyết định coi cuộc xung đột ở Syria là một cuộc nội chiến sau khi phe đối lập có vũ trang chống lại chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đã phát triển thành một tổ chức thực sự với đầy đủ năng lực.
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria đã kéo dài suốt 17 tháng qua và diễn biến xấu đi từng ngày, đặc biệt là vài tháng trở lại đây. Tình hình ở Syria nghiêm trọng đến mức một quan chức cấp cao phụ trách các chiến dịch gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc hồi giữa tháng 6 từng tuyên bố, Syria đang rơi vào một cuộc nội chiến toàn diện.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Liên Hợp Quốc Martin Nesirky ngay sau đó đã khẳng định, chỉ có Uỷ ban Quốc tế của Hội chữ Thập đỏ mới có thể quyết định được khi nào cuộc khủng hoảng ở Syria được xem là một cuộc nội chiến thật sự.
Với tuyên bố ngày hôm qua của ICRC, cuộc khủng hoảng ở Syria đã chính thức bước sang giai đoạn nội chiến. Như vậy, dự báo tình hình Syria sẽ đẫm máu hơn với các cuộc giao tranh quyết liệt và không khoan nhượng giữa quân chính phủ và phe nổi dậy.
Australia ép Nga lật đổ Tổng thống Assad
Những diễn biến mới xảy ra ở Syria hiện nay đang đẩy Tổng thống Assad vào tình thế ngày một khó khăn. Nhiều người tin rằng, ông Assad đang bị dồn vào chân tường khi bên trong nội bộ rạn nứt, chiến sự liên miên còn bên ngoài thì sức ép gia tăng không ngừng.
Tuần qua, người ta đã chứng kiến hai vụ “đào ngũ” đầu tiên trong nội bộ bộ máy cầm quyền của Tổng thống Assad. Đây chính là dấu hiệu rạn nứt đầu tiên trong chính quyền vốn được xem là khá vững chắc của ông Assad. Trong khi đó, với sức mạnh ngày càng gia tăng nhờ sự hậu thuẫn từ bên ngoài, phe nổi dậy đang thực hiện những chiến dịch tấn công táo bạo vào thành trì chính của ông Assad.
Khó khăn chồng chất khó khăn khi các cường quốc phương Tây đang hối hả gia tăng sức ép buộc ông Assad từ chức. Ngày hôm qua, Ngoại trưởng Australia Bob Carr đã lên tiếng kêu gọi Nga ủng hộ kế hoạch lật đổ Tổng thống Assad.
"Tổng thống Assad phải ra đi. Cách để loại bỏ ông này là Nga phải sử dụng ảnh hưởng của họ với Damascus và Nga phải bỏ phiếu ủng hộ những biện pháp trừng phạt toàn diện mới nhằm vào Syria trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an sắp tới”, ông Carr đã nói như vậy với các phóng viên.
"Với việc ông Assad ra đi, các bạn có thể có được những cuộc đàm phán giữa các thành phần trong chính quyền ở Damascus và phe đối lập – tất cả những nhân tố của phe đối lập", ông Carr nói.
Phương Tây do Mỹ dẫn đầu đang hy vọng sẽ thông qua được một nghị quyết trừng phạt mới nhằm vào Syria trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an vào giữa tuần này.
Theo nghị quyết mới, các nước phương Tây muốn đưa kế hoạch hoà bình của cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan vào thực hiện trong khuôn khổ Điều 7 của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Điều 7 cho phép các nước thực hiện những hành động từ trừng phạt kinh tế, ngoại giao đến can thiệp quân sự nếu Syria không thực hiện kế hoạch hoà bình của ông Annan. Mỹ nhấn mạnh, họ dùng đến Điều 7 của Hiến chương Liên Hợp Quốc để đưa thêm các lệnh trừng phạt chứ không đề cập đến biện pháp can thiệp quân sự.
Tuy nhiên, nếu nghị quyết mới nói trên được thông qua thì rõ ràng, phương Tây đã có “lá bài” trong tay để can thiệp vào Syria giống như họ đã làm ở Libya trước đây. Như vậy, có thể coi là số phận của chính quyền ông Assad sắp được định đoạt.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc