(VnMedia) - Philippines hôm qua (16/7) đã lên tiếng cảnh báo đội tàu gồm 30 tàu cá Trung Quốc đang ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam hãy tránh xa vùng lãnh hải của nước này. Lời cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh Manila và Bắc Kinh đang có cuộc đối đầu quyết liệt vì tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines – ông Raul Hernandez cho hay, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines sẽ kiểm tra và giám sát hoạt động đi lại của các tàu thuyền Trung Quốc đang có mặt ở Biển Đông. Manila muốn đảm bảo rằng, các tàu thuyền Trung Quốc không xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này.
“Nếu những con tàu đó đi vào vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi, chúng tôi sẽ đệ đơn phản đối hành động này. Đó là vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi và chỉ có Philippines mới có quyền chủ quyền trong việc khám phá, khai thác và quản lý những nguồn tài nguyên trong khu vực đó”, ông Hernandez đã nói như vậy với các phóng viên.
Phát ngôn viên Hernandez nhấn mạnh: “Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc tôn trọng quyền chủ quyền của Philippines”.
Trước đó, chiều hôm 15/7, một đội tàu gồm 30 tàu cá đến từ tỉnh đảo Hải Nam của Trung Quốc đã xâm nhập bất hợp pháp vào một khu vực đánh bắt cá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là đội tàu cá lớn nhất từ tỉnh đảo Hải Nam đến quần đảo Trường Sa.
Nhóm tàu cá trên gồm một tàu hỗ trợ nặng 3.000 tấn và 29 tàu cá có trọng tải hơn 140 tấn. Các thuỷ thủ trên tàu tuyên bố sẽ đánh cá ở khu vực Bãi đá Chữ thập của Việt Nam từ 5 đến 10 ngày. Trung Quốc đã trắng trợn điều cả tàu tuần tra ngư nghiệp Ngư Chính 310 đến quần đảo Trường Sa để bảo vệ cho các tàu cá của họ.
Các hoạt động khai thác của ngư dân Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa là phi pháp, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.
Biển Đông bắt đầu trở thành một trong những điểm nóng bỏng nhất của thế giới kể từ sau khi xảy ra cuộc đối đầu kéo dài 2 tháng giữa Trung Quốc và Philippines ở khu vực tranh chấp.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Biển Đông với một loạt nước láng giềng gồm Philippines, Việt Nam, Maylaysia, Brunei và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Biển Đông là khu vực giàu dầu mỏ, khí đốt và là nơi có nhiều tuyến đường hàng hải chiến lược quan trọng. Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông khi đưa ra yêu sách đường lưỡi bò (9 đoạn) hết sức vô lý. Theo đó, cường quốc số 1 Châu Á đòi chủ quyền đối với hầu hết khu vực Biển Đông.
Gần đây, Trung Quốc liên tục có những hành động hiếu chiến, gây hấn ở Biển Đông khiến các nước trong khu vực cũng như thế giới đặc biệt lo ngại.
Đô đốc Mỹ cam kết giúp Philippines củng cố sức mạnh quân sự
Trước thái độ hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông, Philippines cũng đáp lại bằng những hành động đầy thách thức. Manila gần đây cho thấy, họ không hề ngại đối đầu với nước láng giềng khổng lồ trong “cuộc chiến” bảo vệ chủ quyền. Sở dĩ Philippines trở nên mạnh bạo hơn như vậy là nước này gần đây nhận được nhiều tín hiệu ủng hộ từ đồng minh Mỹ.
Mới đây nhất, ngày hôm qua, người đứng đầu các lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương đã một lần nữa tái khẳng định cam kết của Washington trong việc ủng hộ Philippines trong cuộc tranh chấp lãnh thổ hiện nay với Trung Quốc.
Đô đốc Samuel Locklear đã có cuộc gặp với Tổng thống Philippines Benigno Aquino. Tại cuộc gặp đó, ông Locklear đã thể hiện sự ủng hộ của mình đối với việc giúp Philippines hiện đại hoá lực lượng vũ trang đồng thời thiết lập khả năng phòng thủ đáng tin cậy ở mức tối thiểu cho Philippinex, phát ngôn viên của Tổng thống Aquino – ông Ramon Carandang cho hay.
"Chúng tôi tái khẳng định, Hiệp ước Phòng thủ chung giữa hai nước vẫn tồn tại và đang rất mạnh. Đây là cơ hội cho chúng ta tìm kiếm những nơi và những nhiệm vụ mà ở đó chúng ta có thể là đối tác của nhau và làm việc cùng nhau theo cách thức có thể giúp củng cố mối quan hệ hợp tác an ninh chung, tăng cường an ninh trong khu vực", Nhật báo Philippine dẫn lời ông Locklear cho biết.
Philippines có hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ. Nước này đang tìm kiếm sự ủng hộ lớn hơn từ phía nước đồng minh chính của mình trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines mới đây quanh bãi cạn Scarborough, Washington một mặt tuyên bố giữ lập trường trung lập trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông nhưng mặt khác lại nhiều lần ám chỉ sẽ đứng về phía Manila.
Nhiều người tin rằng, Mỹ muốn giúp Philippines để duy trì vai trò lãnh đạo toàn cầu của nước này cũng là để thực hiện chiến lược quay trở lại Châu Á mà Washington tuyên bố hồi cuối năm ngoái.
Việc Mỹ can thiệp vào các cuộc tranh chấp ở Biển Đông đang khiến Trung Quốc cực kỳ tức giận. Bắc Kinh luôn khăng khăng đòi hỏi giải quyết các cuộc tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở song phương. Với tư cách là nước lớn nhất khu vực, Trung Quốc dễ giành thế thượng phong nếu các cuộc tranh chấp được giải quyết trên cơ sở song phương. Tuy nhiên, nhiều nước có liên quan lại muốn quốc tế hoá những cuộc tranh chấp ở Biển Đông.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc