Nga phản đối kế hoạch lật đổ Tổng thống Syria

06:48, 03/07/2012
|

(VnMedia) - Các cường quốc phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã bất lực trong việc thuyết phục Nga đồng ý với kế hoạch lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Điều này đã khiến phe nổi dậy Syria thực sự thất vọng.
 
Các cường quốc thế giới hôm 30/6 đã tổ chức một cuộc họp ở Geneva nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng kéo dài 16 tháng qua ở Syria. Tại hội nghị này, các nước đã nhất trí thông qua một kế hoạch do Liên Hợp Quốc đứng ra làm trung gian. Theo đó, các nước kêu gọi Syria thành lập một chính phủ chuyển tiếp có sự tham gia đầy đủ của các phe phái, thể hiện sự đoàn kết dân tộc. Chính phủ này sẽ có toàn quyền điều hành đất nước.
 
Tuy nhiên, trước sự cứng rắn của Nga, kế hoạch trên phải để ngỏ khả năng tham gia chính quyền của Tổng thống Assad. Các cường quốc phương Tây rất muốn loại bỏ ông Assad và các quan chức của ông này khỏi chính quyền chuyển tiếp. Tuy nhiên, mong muốn đó của phương Tây không được sự đồng ý của Nga.
 
Moscow tuyên bố, số phận của Tổng thống Assad phải do chính nhân dân Syria định đoạt chứ không phải do các lực lượng bên ngoài can thiệp vào. Như vậy, trong kế hoạch được các nước nhất trí tại hội nghị ở Geneva vừa rồi, chính quyền chuyển tiếp có thể có sự tham gia của ông Assad, các thành viên trong chính phủ của ông này cùng với các phe nhóm đối lập. Chính phủ chuyển tiếp sẽ giám sát việc phác thảo một bản hiến pháp mới và tổ chức các cuộc bầu cử.
 
Trong khi chính quyền của Tổng thống Assad không phản ứng gì trước kế hoạch nói trên thì phe nổi dậy Syria lại thể hiện rõ sự thất vọng. Hôm 1/7, các phe nhóm đối lập chính ở Syria đã lên tiếng phản đối kế hoạch mới của các cường quốc về việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp mà không loại bỏ được sự tham gia của Tổng thống Assad.
 
Phe nổi dậy Syria từ lâu đã bác bỏ bất kỳ giải pháp nào có liên quan đến việc đàm phán với Tổng thống Assad hay để cho ông này tiếp tục cầm quyền.
 
Hội đồng Quốc gia Syria – một lực lượng đối lập chính ở đất nước Trung Đông, chỉ trích kế hoạch vừa được thông qua là quá mập mờ mặc dù thừa nhận kế hoạch này có chứa một số nhân tố mới, tích cực. Các phe nhóm đối lập khác gọi đó là sự lãng phí thời gian và thề sẽ không bao giờ đàm phán với ông Assad hay bất kỳ thành viên nào trong chính quyền của ông này.
 
Việc phe nổi dậy phản đối kế hoạch được các cường quốc ủng hộ tại hội nghị ở Geneva đã khiến cho hy vọng giải quyết cuộc khủng hoảng trầm trọng kéo dài hơn 16 tháng qua ở Syria trở nên mờ nhạt hơn bao giờ hết.
 
Quân Assad tấn công dữ dội phe nổi dậy
 
Trong khi các cường quốc phương Tây không thể làm phe nổi dậy hài lòng bởi một kế hoạch loại bỏ được Tổng thống Assad ra khỏi chính quyền Syria thì cuộc khủng hoảng ở đất nước này tiếp tục leo thang đẫm máu.
 
Lực lượng trung thành với Tổng thống Assad hôm qua đã thực hiện những cuộc tấn công liên tiếp vào các quận thuộc phe nổi dậy ở khu vực ngoại ô thủ đô Damascus. Diễn biến này diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở Syria bước vào một giai đoạn mới với những cuộc đụng độ ác liệt hơn bùng lên ở bên trong và xung quanh thành trì quyền lực của Tổng thống Assad.
 
Người dân ở quận Zamalka, ngoại ô thủ đô Damascus, hôm qua đã phải chật vật chôn cất thi thể của hàng chục nạn nhân bị thiệt mạng trong vụ tấn công bằng đạn súng cối vào một cuộc tuần hành chống Tổng thống Assad hôm 30/6, một nhà hoạt động thuộc phe đối lập tự xưng là Susan Ahmad cho biết qua điện thoại từ khu vực bên ngoài Damascus.
 
Hơn 40 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công nói trên. “Hôm nay là một ngày thực sự tồi tệ ở thủ đô Damascus. Zamalka giống như một cuộc thảm sát. Chúng tôi không thể chôn cất tất cả các nạn nhân bởi quá nguy hiểm để đi ra đường vào thời điểm này. Chúng tôi cũng không thể chữa trị cho những người bị thương vì không có thuốc men", Ahmad cho hay.
 
Quân chính phủ không chỉ tấn công Zamalka mà còn đột kích vào Douma, một thành phố nửa triệu dân khác ở bên ngoài thủ đô Damascus. Thành phố này giờ đây gần như bị bỏ hoang sau sự phong tỏa và các cuộc oanh kích của quân đội nhằm tiêu diệt tận gốc lực lượng nổi dậy, bà Ahmad cho biết.
 
"Douma hoàn toàn bị phá hủy. Nếu bạn tới Douma, bạn có thể ngửi thấy mùi thi thể bốc lên. Nó thực sự giống như một thành phố ma”, bà Ahmad nói thêm. Các chiến binh nổi dậy đã phải tháo chạy khỏi thành phố này.
 
Lực lượng trung thành với Tổng thống Assad còn nã đạn vào các thành phố khác trên khắp cả nước. "Chúng tôi có thể nghe thấy tiếng bom đạn ở nhiều khu vực khác nhau ở thành phố Homs", ông Waleed Fares, một nhà hoạt động khác sống ở quận trung tâm Khalidiya thuộc Homs, cho biết. Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria, các vụ bạo lực diễn ra ở đất nước này trong hai ngày 30/6 và 1/7 đã cướp đi sinh mạng của hơn 150 người.
 
Trong khi các cường quốc bế tắc trong việc giải quyết khủng hoảng ở Syria thì NATO tuyên bố, liên minh này không có ý định can thiệp quân sự vào đất nước Trung Đông này. NATO cho biết, họ muốn chứng kiến cuộc khủng hoảng ở Syria được giải quyết bằng một “giải pháp chính trị hòa bình”. Đây là phát biểu vừa được Tổng thư ký NATO - ông Anders Fogh Rasmussen đưa ra trong bài trả lời phỏng vấn Tân Hoa Xã gần đây.
 
Theo lời ông Rasmussen, NATO can thiệp vào Libya theo một chỉ định rõ ràng từ Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, không giống như ở Libya, đến thời điểm này, NATO chưa nhận được bất kỳ đề nghị quốc tế hoặc khu vực nào yêu cầu liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương can thiệp vào tình hình Syria. Thậm chí, các nhóm đối lập có vũ trang ở Syria cũng kiềm chế, chưa kêu gọi một sự can thiệp quân sự quốc tế từ bên ngoài.
 
"Tôi cho rằng, cách tốt nhất để tiến lên phía trước là kế hoạch của ông Annan. Kế hoạch đó sẽ giúp chúng ta tìm kiếm các giải pháp chính trị hòa bình”, Tổng thư ký NATO cho biết.
 
Dù cộng đồng quốc tế rất mong muốn tìm kiếm được một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở Syria nhưng viễn cảnh này khó xảy ra khi mà các cường quốc có ảnh hưởng còn đang mâu thuẫn sâu sắc về vấn đề này.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc