(VnMedia) - Sau vụ đánh bom chí tử nhằm vào đầu não an ninh của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, tung tích nhà lãnh đạo Syria được bao vây bởi một bức màn bí mật. Người ta không biết ông Assad đang ở đâu và liệu ông có bị thương trong vụ tấn công vừa rồi hay không.
Thủ đô Damascus hôm qua (18/7) đã bị chấn động bởi một vụ đánh bom tự sát nhằm thẳng vào đầu não bộ máy quốc phòng của chính quyền Tổng thống Assad. Kẻ tấn công đã táo tợn cho nổ một quả bom ngay giữa trụ sở của Hội đồng An ninh Quốc gia Syria khi các quan chức an ninh hàng đầu của nước này đang có cuộc họp nhằm bàn cách đối phó với cuộc nổi dậy kéo dài 17 tháng qua.
Đòn tấn công trên của phe nổi dậy Syria đã gây tổn thất nặng nề cho chính quyền của ông Assad khi có 3 quan chức an ninh hàng đầu thiệt mạng, trong đó có cả Bộ trưởng Quốc phòng.
Nguồn tin từ phe nổi dậy cho rằng, Tổng thống Assad cũng có mặt trong cuộc họp bị đánh bom. Nguồn tin này phỏng đoán, ông Assad có thể đã bị thương và được đưa ra khỏi thủ đô Damascus bằng máy bay riêng. Hiện tại, các thông tin này đều chưa được kiểm chứng về độ xác thực.
Tuy nhiên, kể từ sau vụ đánh bom trên, tung tích của Nhà lãnh đạo Assad dường như được bao phủ bởi một bức màn bí ẩn. Không ai biết Tổng thống Assad cùng cả vợ và các con của ông này đang ở đâu.
Ông Assad cũng không hề thấy xuất hiện trước công chúng và cũng lặng thinh trước vụ đánh bom gây cái chết không chỉ của Bộ trưởng Quốc phòng Syria mà còn cả người anh rể quyền lực của ông này.
Không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về vụ đánh bom nhưng Tổng thống Assad cũng đã nhanh chóng bổ nhiệm tân Bộ trưởng Quốc phòng và để ông này đại diện cho chính quyền lên tiếng về vụ việc. Tân Bộ trưởng Quốc phòng Fahad Jassim al-Freij đã xuất hiện trên truyền hình quốc gia và đưa ra những phát biểu đầy cứng rắn với mục đích xoá bỏ ấn tượng về sự tê liệt của chính quyền sau vụ tấn công tự sát ngày hôm qua.
"Đó là hành động khủng bố hèn nhát và nó sẽ không thể cản bước những binh lính của chúng tôi trong nhiệm vụ thiêng liêng là truy đuổi đến cùng tàn dư của các băng nhóm khủng bố có vũ trang. Chúng tôi sẽ chặt mọi cánh tay đang cố tình phá hoại an ninh quốc gia và sự an toàn của công dân Syria”, ông Freij tuyên bố.
Obama, Putin không thể giải quyết bất đồng
Trong khi tình hình Syria đang diễn biến theo chiều hướng nghiêm trọng thì các cường quốc, cụ thể là Nga và Mỹ vẫn không thể tìm được tiếng nói chung trong cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng ở đất nước Trung Đông.
Được biết, sau vụ đánh bom ngày hôm qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm về vấn đề Syria. Sau cuộc điện đàm, điện Kremlin tiết lộ, hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ vẫn không thể xoá bỏ được những bất đồng giữa họ. Washington đang tăng cường các nỗ lực nhằm tìm cách thuyết phục Moscow đồng ý với bản phác thảo nghị quyết mới sắp được đưa ra bỏ phiếu trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào ngày mai.
Theo dự kiến ban đầu, cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ diễn ra trong ngày hôm nay (19/7) với nội dung chính là bỏ phiếu thông qua một nghị quyết kêu gọi trừng phạt chính quyền của Tổng thống Assad nếu chính quyền này không chấm dứt việc dùng vũ khí hạng nặng và rút quân khỏi các thành phố. Tuy nhiên, cuộc họp này đã bất ngờ bị hoãn lại vào ngày mai (20/7).
Không rõ nguyên nhân của sự trì hoãn trên là gì nhưng có thể, phương Tây muốn kéo dài thêm thời gian để thuyết phục Nga ủng hộ nghị quyết của họ.
Theo nghị quyết mới, các nước phương Tây muốn đưa kế hoạch hoà bình của cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan vào thực hiện trong khuôn khổ Điều 7 của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Điều 7 cho phép các nước thực hiện những hành động từ trừng phạt kinh tế, ngoại giao đến can thiệp quân sự nếu Syria không thực hiện kế hoạch hoà bình của ông Annan. Mỹ nhấn mạnh, họ dùng đến Điều 7 của Hiến chương Liên Hợp Quốc để đưa thêm các lệnh trừng phạt chứ không đề cập đến biện pháp can thiệp quân sự.
Ngay sau khi thông tin về nghị quyết này được đưa ra, Nga đã lên tiếng phản đối và khẳng định sẽ không để nghị quyết đó được thông qua. Nga và Trung Quốc trong thời gian qua luôn khăng khăng giữ lập trường chống lại bất kỳ sự can thiệp nào từ nước ngoài vào tình hình nội bộ Syria.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc