(VnMedia) - Trong suốt 16 tháng qua, Nga và Trung Quốc đã tỏ ra rất kiên định trong lập trường ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và chống lại mọi nỗ lực của các cường quốc phương Tây nhằm lật đổ ông này. Ngoài vấn đề lợi ích đã được nhắc đến nhiều lần trước đó, còn có một nguyên nhân đặc biệt thúc đẩy Moscow và Bắc Kinh bảo vệ đến cùng chính quyền của Tổng thống Assad.
Nga, Trung thách thức phương Tây trong vấn đề Syria
Cuộc khủng hoảng ở Syria chứng kiến mâu thuẫn sâu sắc giữa hai phe cường quốc với một bên là Nga-Trung và bên kia là Mỹ và phương Tây. Trong khi phương Tây muốn lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad thì Moscow và Bắc Kinh công khai phản đối nỗ lực này.
Moscow cũng như Bắc Kinh nhiều lần tuyên bố, họ sẽ bảo vệ chính quyền của Tổng thống Assad và không để Syria biến thành Libya thứ hai. Vì là nước có nhiều lợi ích cũng như ảnh hưởng hơn với Syria nên sự ủng hộ của Nga đối với chính quyền của Tổng thống Assad mạnh mẽ hơn và cụ thể hơn. Trong khi đó, Trung Quốc lặng lẽ theo chân Nga chống lại sự can thiệp của các nước phương Tây vào tình hình Syria.
Nga đã có rất nhiều hành động để “chống lưng” cho chính quyền của Tổng thống Assad. Hồi cuối năm ngoái, Nga đã điều một loạt tàu chiến và vũ khí tối tân đến vùng lãnh hải gần Syria. Moscow tuyên bố, họ sẽ tiếp tục thực hiện các hợp đồng cung cấp vũ khí đã ký kết với Damascus trước đó bất chấp sự phản đối quyết liệt từ phương Tây. Mới đây, Nga và Mỹ đã có cuộc khẩu chiến gay gắt với nhau về việc Nga cung cấp trực thăng tấn công cho Syria. Có tin Moscow còn cung cấp một loạt hệ thống phòng không hiện đại S-300 cũng như các hệ thống radar đến cho Syria.
Sự ủng hộ của Nga, Trung dành cho ông Assad thể hiện rõ nhất qua việc hai nước này đã hai lần dùng quyền phủ quyết để bác bỏ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm vào chính quyền Syria. Những nghị quyết này chỉ trích chính phủ của ông Assad về tình hình bạo lực diễn ra ở đất nước Syria. Lý giải nguyên nhân phản đối các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về Syria, cả Moscow và Bắc Kinh đều cho rằng, đó là những văn bản phiến diện, một chiều thể hiện rõ sự bênh vực đối với phe nổi dậy và chống lại chính phủ Syria.
Theo Moscow và Bắc Kinh, cả chính phủ Syria lẫn phe nổi dậy đều có trách nhiệm đối với tình trạng bạo lực đang lan tràn trong đất nước Trung Đông này. Vì thế, một nghị quyết công bằng phải lên án cả hai phe nhóm này. Việc đứng về một bên trong một cuộc xung đột chỉ làm tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Đây là quan điểm của Nga và Trung Quốc.
Trong hội nghị quốc tế về Syria ở Geneva mới đây, Nga và Trung Quốc cũng kiên quyết không ủng hộ kế hoạch loại bỏ chính quyền của Tổng thống Assad do phương Tây đề xuất. Nga và Trung Quốc khẳng định, số phận của ông Assad phải do chính nhân dân Syria định đoạt và không thế lực bên ngoài nào được quyền can thiệp vào.
Cuộc đối đầu giữa Nga, Trung Quốc với Mỹ và phương Tây trong vấn đề Syria cũng thể hiện qua việc Moscow và Bắc Kinh tẩy chay cả 3 hội nghị “Bạn bè của Syria” do phương Tây đứng ra tổ chức. Nga thậm chí còn phê phán hội nghị này là “vô đạo đức”. Hội nghị “Bạn bè của Syria” là nơi kêu gọi sự ủng hộ giành cho phe nổi dậy Syria và chống lại chính quyền của ông Assad.
Với những diễn biến diễn ra ở trên, Nga và Trung Quốc đã thể hiện lập trường kiên định trong việc bảo vệ chính quyền của Tổng thống Assad. Điều này đã khiến Mỹ và phương Tây vô cùng bực bội, khó chịu. Các nước này nhiều lần lên án, chỉ trích Nga và Trung Quốc.
Bí ẩn đằng sau việc Nga, Trung chống lưng cho Tổng thống Assad
Ngay từ khi cuộc khủng hoảng ở Syria bùng lên hồi đầu năm ngoái, nhiều người đã đặt câu hỏi, vì sao Nga và Trung Quốc lại sẵn sàng đối mặt với các cường quốc quan trọng chỉ để bảo vệ một đất nước nhỏ bé ở Trung Đông? Ngoài nguyên nhân lợi ích rất lớn của Nga còn có một lý do quan trọng khác mà cả Nga và Trung Quốc đều chia sẻ với nhau.
Có thể nói, Nga có rất nhiều lợi ích ở Syria. Syria vốn là một trong những đồng minh quan trọng và hiếm hoi của nước này ở khu vực Trung Đông. Nếu để mất “sân sau” này, Moscow sẽ mất rất nhiều lợi ích. Thứ nhất, Nga sẽ không còn giữ được ảnh hưởng và vị thế ở Trung Đông. Thứ hai, Syria là khách hàng vũ khí lớn hàng đầu của Nga. Nếu quay lưng lại với Syria, Nga sẽ mất nhiều hợp đồng vũ khí béo bở. Chưa hết, Syria còn là nơi Nga có một căn cứ hải quân quan trọng tại bờ biển Địa Trung Hải.
Không có mấy lợi ích và ảnh hưởng ở Syria nhưng Trung Quốc lại có chung một động lực với Nga để bảo vệ chính quyền của Tổng thống Assad. Đó là vấn đề chủ quyền, vấn đề can thiệp công việc nội bộ của các nước khác.
Từ lâu, Nga và Trung Quốc đã rất khó chịu với việc các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Quan hệ giữa Nga, Trung với Mỹ nhiều lần rơi vào căng thẳng vì Moscow và Bắc Kinh cho rằng, Washington dùng lá bài dân chủ, nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của họ. Hai nước này cáo buộc đó là hành động vi phạm chủ quyền quốc gia.
Nga, Trung luôn khẳng định, công việc nội bộ của một nước phải do chính người dân nước đó tự quyết định. Các nước bên ngoài không được quyền can thiệp vào và định đoạt thay họ. Với quan điểm như thế, Moscow và Bắc Kinh không thể ủng hộ việc Mỹ và phương Tây can thiệp vào tình hình Syria và tìm cách lật độ chính phủ của ông Assad.
Nga, Trung tin rằng, nếu họ mở đường cho phương Tây can thiệp vào Syria thì chắc chắn, điều đó sẽ tạo ra một tiền lệ xấu sau này. Nga, Trung còn sợ rằng, từ tiền lệ Syria, sau này, Mỹ và phương Tây có thể áp dụng với cả chính hai nước này. Đây là điều không thể chấp nhận với họ.
Kiệt Linh
Ý kiến bạn đọc