Vũ khí bí mật của Trung Quốc ở Biển Đông

09:06, 06/06/2012
|

(VnMedia) - Với những ưu thế vượt trội như khả năng tác chiến linh hoạt và tấn công nhanh các mục tiêu cả trên không, bộ lẫn trên biển, tàu tên lửa lớp Houbei đang được Trung Quốc chọn là “vũ khí làm thay đổi cuộc chơi ở Biển Đông”. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc sẽ dựa chủ yếu vào loại tàu chiến này trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
 
Biển Đông là khu vực rất giàu tài nguyên và là nơi có các tuyến đường biển chiến lược. Trung Quốc muốn độc chiếm khu vực biển này. Trung Quốc đang có tranh chấp ở Biển Đông với một loạt nước gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trong những năm qua, Bắc Kinh đang tăng cường củng cố sức mạnh hải quân nhằm hỗ trợ cho tham vọng thống trị Biển Đông của họ.
 
Một trong những loại vũ khí được Bắc Kinh đặc biệt quan tâm trong chiến lược phát triển Hải quân của nước này là tàu tên lửa Type 022 lớp Houbei. Đây là loại tàu tàng hình thế hệ mới chuyên tấn công chớp nhoáng bằng tên lửa của Hải quân Trung Quốc. Type 022 có đặc điểm khá vượt trội về tốc độ di chuyển, thân nhọn và được thiết kế để giảm thiểu sự phát hiện của radar đối phương. Type 022 dài 42,6m, cao 12,2m và tốc độ đạt 36 hải lý/h (khoảng 58 km/h).
 
Houbei được trang bị 8 tên lửa chống hạm loại C-801/802/803, đặt trên 2 bệ phóng phía đuôi tàu. Những tên lửa này có tầm hoạt động xa từ 150 đến 200km. Hệ thống phòng không của tàu gồm các tên lửa hạm đối không FLS-1 với 12 tên lửa loại QW lớp MANPAD, 1 khẩu pháo AO-18 30mm và hệ thống pháo phòng không tầm gần AK-630 của Nga, có tốc độ bắn 5000 vòng trên phút, tầm bắn 4km đặt ở boong trước.
 
Để phục vụ mục đích chiến đấu gần bờ, tàu được trang bị 2 bệ phóng với 8 tên lửa hành trình, tấn công mặt đất tầm xa Hongniao. Loại tên lửa này có khả năng mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân và có tầm bắn từ 600 đến 3000km.
 
Lựa chọn cho tham vọng ở Biển Đông
 
Nhỏ gọn, rẻ tiền và đặc biệt nhanh nhẹn nhờ thiết kế vỏ rẽ sóng tốt, tàu Type 022 đã được Trung Quốc chọn để thay thể cho các tàu tên lửa cũ kỹ, cồng kềnh có từ thời Liên Xô.
 
Từ năm 2004, Lực lượng Hải quân thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) đã tăng cường triển khai hạm đội tàu tên lửa tấn công chớp nhoáng lớp Houbei được vũ trang hạng nặng này. Tính đến nay, Hải quân Trung Quốc đang có trong tay ít nhất 60 chiến hạm lớp Houbei. Đội tàu Houbei được cho là sẽ giúp tăng cường khả năng chiến đấu ven biển của Trung Quốc do có tốc độ hơn 36 hải lý/giờ, chỉ nặng 225 tấn và được trang bị tên lửa chống tàu YJ-83 có thể tấn công mục tiêu từ cách xa hơn 200km.
 
Trung Quốc đặt mục tiêu sẽ đầu tư cho Lực lượng Hải quân nước này 100 tàu tên lửa Type 022 lớp Houbei. Trong đó, Hạm đội Nam Hải sẽ được bố trí một số lượng lớn tàu Type 022. Đây là hạm đội chịu trách nhiệm chính về vấn đề Biển Đông của Trung Quốc.
 
Theo các nhà chiến lược hải quân, việc triển khai một số lượng lớn những chiếc tàu tàng hình tấn công chớp nhoáng như Type 022 có thể giúp Trung Quốc giành lợi thế trên chiến trường nhiều hơn cả việc dùng những chiếc tàu to lớn, hiện đại và đắt đỏ.
 
Kết hợp với các tên lửa được phóng từ mặt đất, từ tàu nổi, tàu ngầm và máy bay tấn công, Type 022 có thể tạo ra những “cú đánh chí tử” cho đối phương hoạt động ở vùng biển mà Trung Quốc muốn chiếm giữ. Tàu tên lửa Type 022 không chỉ là nỗi ám ảnh đối với các loại tàu đối phương mà nó có thể là mối đe dọa đối với cả tàu sân bay – loại tàu được mệnh danh là bá chủ của đại dương.
 
Tuy nhiên, tàu Houbei không phải là không có yếu điểm. Tàu được làm bằng chất liệu nhôm để giảm trọng lượng và tăng tốc độ hoạt động. Tuy nhiên, chất liệu này lại khiến tàu dễ bị ảnh hưởng khi gặp những lực tác động lớn. Ngoài ra, hệ thống phòng không của tàu yếu nên tàu rất dễ bị tấn công. Chưa hết, tàu Type 022 không có khả năng hoạt động xa bờ hoặc chiến đấu dài ngày trên biển. 
 
Điều quan trọng nhất là những tính năng ưu việt của tàu Houbei mới chỉ là do Trung Quốc nói thế. Trên thực tế, con tàu này chưa được đưa ra “thử lửa” trên chiến trường.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc