Trực thăng Syria bắn phá thành trì phe nổi dậy

07:32, 12/06/2012
|

(VnMedia) - Trực thăng của quân chính phủ Syria hôm qua (11/6) đã oanh tạc dữ dội một loạt thành trì của phe nổi dậy ở tỉnh phía bắc Homs. Nhiều phụ nữ và trẻ em Syria đang bị mắc kẹt trong bom đạn, khói lửa.
 
Rất nhiều trực thăng của chính phủ đã bắn phá xối xả xuống những cứ điểm của phe nổi dậy ở Al-Heffa và Rastan thuộc tỉnh Homs. Ngoài ra, quân chính phủ còn dùng xe tăng để tấn công các thành phố. Một nhà hoạt động đã kể trong nước mắt rằng, một loạt xe tăng đang bao vây Al-Heffa - một thành phố 30.000 dân nằm ở vùng nông thôn gần Thổ Nhĩ Kỳ. Xe tăng chính phủ bắt đầu tiến về Al- Heffa sau khi lực lượng nổi dậy giành được quyền kiểm soát một đồn cảnh sát ở đây và phá hủy 5 xe tăng cũng như xe bọc thép của quân đội.
 
"Chưa bao giờ, xe tăng chính phủ lại tiếp cận sát chúng tôi như thế này. Chỉ có một bác sĩ đang điều trị cho những bệnh nhân bị thương trong thành phố. Hầu hết người dân đã tìm đường tháo chạy đến nơi an toàn”, nhà hoạt động Sem Nassar cho biết.
 
Trong khi đó, nhóm quan sát viên Liên Hợp Quốc đang có mặt tại Syria cũng báo cáo, “một loạt cuộc giao tranh ác liệt giữa quân chính phủ và phe nổi dậy đã nổ ra ở Rastan và Talbiseh, phía bắc tỉnh Homs. Hai bên đã giao tranh bằng đạn pháo, đạn súng cối, súng máy và các vũ khí nhỏ hơn. Quân chính phủ đã dùng trực thăng bắn phá những điểm nóng ở Homs ", phát ngôn viên Liên Hợp Quốc – bà Sausan Ghosheh cho biết trong một tuyên bố.
 
Đây là lần đầu tiên nhóm quan sát viên Liên Hợp Quốc xác nhận cáo buộc của các nhà hoạt động về việc quân chính phủ dùng trực thăng oanh tạc thành trì của phe nổi dậy. Quân chính phủ là lực lượng duy nhất trong cuộc xung đột được trang bị trực thăng. Nhóm quan sát viên Liên Hợp Quốc “cũng nhận được báo cáo về việc, một số lượng lớn dân thường, trong đó có phụ nữ và trẻ em đang bị mắc kẹt bên trong Homs", bà Ghosheh nói thêm.
 
Cũng theo các quan sát viên, lực lượng nổi dậy thuộc Quân đội Syria Tự do đã bắt giữ nhiều binh lính quân đội. Bà Ghosheh kêu gọi “tất cả các bên chấm dứt những hành động giết chóc, vi phạm nhân quyền để đảm bảo sự an toàn cho dân thường và tôn trọng luật pháp quốc tế".
 
Phe nổi dậy Syria trong những tuần qua đã mạnh hơn lên ít nhiều nhờ được trang bị vũ khí tốt hơn. Vũ khí mà phe nổi dậy có được thông qua các hoạt động buôn lậu và qua những “cuộc đào ngũ” của binh lính chính phủ. Hôm Chủ nhật (10/6), phe nổi dậy đã giành được quyền kiểm soát một căn cứ quân sự chiến lược của Syria và đe dọa bắn tên lửa đất đối không vào dinh thự của Tổng thống Bashar al-Assad. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, phe nổi dậy đã phải thoái lui trước cuộc phản công quyết liệt của quân chính phủ.
 
Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria, các vụ bạo lực trên khắp đất nước Syria ngày hôm qua đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 106 người, trong đó có 77 dân thường và 23 binh lính. Những báo cáo về tình hình thương vong cao như thế này là chuyện xảy ra như “cơm bữa” ở Syria kể từ khi cuộc nổi dậy ở đây bùng phát hồi tháng 3 năm ngoái, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria cho biết. Tổ chức này tin rằng, đã có hơn 14.000 người thiệt mạng trong cuộc nổi dậy kéo dài hơn 15 tháng qua ở Syria.
 
Mỹ tuyên bố không can thiệp quân sự vào Syria
 
Tình trạng bạo lực đẫm máu ở Syria đang khiến cộng đồng quốc tế đặc biệt lo ngại. Cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan hôm qua đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc trước những cuộc giao tranh nổ ra ở Homs và Al-Heffa.
 
Washington cũng lên tiếng bày tỏ sự lo ngại về khả năng sẽ có nhiều cuộc thảm sát xảy ra khi quân chính phủ Syria tăng cường các cuộc tấn công vào những điểm nóng trong nước. "Cùng với phái viên Liên Hợp Quốc Kofi Annan, Mỹ đang rất lo lắng về tình hình bên trong đất nước Syria. Chính quyền này có thể đang tổ chức một cuộc thảm sát khác”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ - bà Victoria Nuland cho biết.
 
Bà Nuland tin rằng, những chiến thuật mà chính quyền của Tổng thống Assad đang dùng hiện nay để đàn áp những người biểu tình cho thấy “sự tuyệt vọng” của nhà lãnh đạo này.
 
Mặc dù vậy, bà Nuland cũng bác bỏ khả năng Mỹ can thiệp quân sự vào Syria. Trước đó, Nga cũng phản đối mạnh mẽ viễn cảnh dùng vũ lực để lật đổ Tổng thống Assad. Dù cả Nga và Mỹ không muốn dùng biện pháp quân sự ở Syria nhưng hai nước này lại mâu thuẫn nhau gay gắt về cách thức xử lý cuộc khủng hoảng ở đất nước Trung Đông này. Trong khi Mỹ ra sức dồn ép Tổng thống Assad từ chức thì Nga lại kiên quyết phản đối điều đó. Moscow với sự ủng hộ của Bắc Kinh tin rằng, việc lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad không phải là giải pháp tháo gỡ cuộc khủng hoảng ở Syria hiện nay.
 
Nga tuyên bố, nước này sẽ ủng hộ giải pháp ra đi của ông Assad nếu người dân Syria nhất trí cao với điều đó. Hiện tại, Moscow và Bắc Kinh đều tin rằng, phương Tây do Mỹ đứng đầu đang chống lưng cho phe nổi dậy Syria. Nga và Trung Quốc khẳng định, họ không muốn biến Syria thành Libya thứ hai. Hai nước này chỉ ra rằng, việc lật đổ chính phủ Libya hồi năm ngoái không đem lại hòa bình và ổn định cho đất nước Bắc Phi. Đến nay, đất nước này vẫn đang rơi vào tình trạng hỗn loạn, chia rẽ.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc