Syria rơi vào "lưới lửa" của các cường quốc

06:13, 26/06/2012
|

(VnMedia) - Lãnh đạo các cường quốc phương Tây đang “sục sôi” trước vụ việc Syria bắn hạ một máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ. Họ đã không ngớt lời lên án Syria bằng những lời lẽ gay gắt nhất. Thậm chí, NATO còn tổ chức một cuộc họp khẩn về việc này vào hôm nay, 26/6.
 
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm 24/6, cho biết, bà đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu về vụ việc xảy ra hôm thứ Sáu (22/6).
 
"Ngoại trưởng Davutoglu đã thông cáo những chi tiết cụ thể về tình hình, bao gồm cả việc quân đội Syria bắn hạ máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ mà không hề đưa ra lời cảnh báo nào trước. Mỹ lên án hành động trắng trợn và không thể chấp nhận này bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể. Đây là một ví dụ thêm nữa cho thấy chính quyền Syria coi thường các quy định của quốc tế, mạng sống con người, hòa bình và an ninh", bà Hillary đã phát biểu như vậy.
 
"Chúng tôi sẽ phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ và các đối tác khác để buộc chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad phải chịu trách nhiệm về vụ việc trên. Thổ Nhĩ Kỳ là nước đóng vai trò hàng đầu trong các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm tìm kiếm một giải pháp chấm dứt tình trạng bạo lực ở Syria hiện nay”, Ngoại trưởng Hillary nói thêm.
 
Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh William Hague hôm qua đã miêu tả vụ Syria bắn hạ máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ là hành động “gây phẫn nộ”. Ông Hague cho biết, Anh “kịch liệt lên án vụ việc này. Chính quyền của Tổng thống Assad không nên mắc sai lầm khi nghĩ rằng họ có thể hành động mà không phải chịu trách nhiệm gì. Họ chắc chắn sẽ phải trả giá cho những hành vi của mình”.
 
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, nước này coi vụ việc trên là một hành động thù địch của Syria. Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi một công hàm ngoại giao đến Lãnh sự quán Syria tại Istanbul để bày tỏ sự phản đối. Trong công hàm đó, Istanbul đã miêu tả vụ bắn hạ máy bay là “động thái thù địch” của Syria đối với nước láng giềng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ - ông Selcuk Unal cho biết.
 
Syria-Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào căng thẳng
 
Quan hệ giữa hai nước láng giềng cũng là hai cường quốc của khu vực - Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào căng thẳng cao độ sau khi Syria tuyên bố bắn hạ một chiếc máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực Địa Trung Hải hôm 22/6.
 
Một phát ngôn viên quân đội Syria cho hay, chiếc chiến đấu cơ F-4 của Thổ Nhĩ Kỳ đã xâm nhập vào không phận Syria trưa hôm 22/6 và nó đã bị lực lượng pháo binh phòng không của quân đội bắn hạ. Phát ngôn viên này khẳng định, hành động của Syria phù hợp với luật pháp đang được áp dụng.
 
Tuy nhiên, Istanbul đã phản bác lại những phát biểu trên của phát ngôn viên quân đội Syria. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Davutoglu cho rằng, Syria đã không đúng khi không đưa ra lời cảnh báo nào trước khi bắn hạ chiếc F-4 Phantom. Theo ông Davutoglu, máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ bay lạc vào không phận của Syria.
 
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tố cáo Syria đã cố tình cung cấp “những thông tin sai lệch” về vụ việc. “Họ đã cố tình tạo ra ấn tượng rằng, Syria cảm thấy việc máy bay của chúng tôi bay lạc vào không phận của họ giống như một hành động xâm lược và họ đã bắn hạ nó. Tôi tin rằng, vụ việc này không xảy ra như thế".
 
Theo lời Ngoại trưởng Davutoglu, máy bay chiến đấu bị bắn hạ không hề được vũ trang, không phát đi bất kỳ tín hiệu thù địch nào và có thể xác định rõ là máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ. “Syria đáng ra phải làm việc đầu tiên là gửi đi một lời cảnh báo. Nếu lời cảnh báo không có hiệu quả, các bạn phải ra lệnh cho máy bay của mình cất cánh khẩn cấp, các bạn phát đi một thông điệp mạnh hơn, các bạn bắt máy bay chiến đấu đó phải hạ cánh. Không có đủ thời gian cho bất kỳ động thái nào nói trên khi máy bay của chúng tôi đang ở không phận Syria", ông Davutoglu nói thêm.
 
Cũng theo Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, chiến đấu cơ của họ bị Syria bắn hạ ở không phận quốc tế. Chiếc F-4 đã bay lạc vào không phận Syria “trong một vụ xâm phạm vô tình và ngắn ngủi”. Sau khi phát hiện bay lạc vào không phận Syria, “máy bay của chúng tôi đã quay trở lại không phận quốc tế”.
 
Đáp lại những cáo buộc gay gắt trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Syria – ông Jihad Makdissi khẳng định, “những gì xảy ra là một hành động bảo vệ chủ quyền và mang tính phòng vệ của chúng tôi”. Syria không có bất kỳ ý định thù địch nào với Thổ Nhĩ Kỳ, ông Makdissi nhấn mạnh.
 
Việc Syria tham gia phối hợp tìm kiếm phi công của máy bay cùng với Thổ Nhĩ Kỳ là một bằng chứng rõ ràng cho thấy, Damascus đang xử lý tình hình một cách có trách nhiệm, ông Makdissi nói thêm.


Kiệt Linh - (theo CNN, THX, Reuters)

Ý kiến bạn đọc