Syria lại bắn máy bay Thổ Nhĩ Kỳ

07:03, 26/06/2012
|

(VnMedia) - Lực lượng quân đội Syria vừa mới đây lại nhằm bắn một máy bay khác của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi đã bắn rơi một chiến đấu cơ F-4 của nước này hồi tuần trước, hãng tin Al-Arabiya hôm qua (25/6) đưa tin.
 
Được biết, chiếc máy bay tìm kiếm và cứu  hộ CASA của Thổ Nhĩ Kỳ đang trên đường đi tìm kiếm chiếc chiến đấu cơ F-4 Phantom bị bắn rơi thì bị quân đội Syria tấn công. Vụ tấn công chỉ dừng lại sau khi phía Thổ Nhĩ Kỳ phát đi tín hiệu cảnh báo. Chiếc máy bay này đã may mắn không bị bắn hạ, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bulent Arinc cho biết tại một cuộc họp báo.
 
Tuy nhiên, ông Arinc không nói rõ vụ Syria nhằm bắn chiếc máy bay thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra khi nào và cũng không cho biết chiếc máy bay CASA đó có bị trúng phát đạn nào hay không.
 
Các quan chức Syria hiện chưa đưa ra lời bình luận gì về thông tin trên.
 
Vụ việc mới nhất nói trên diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Damascus và Ankara đang rơi vào căng thẳng cao độ sau khi quân Syria bắn hạ một chiếc máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối tuần trước. Syria hôm qua tiếp tục nhấn mạnh, máy bay chiếu đấu của Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn rơi vì xâm phạm không phận của nước này và rằng Syria không có bất kỳ ý định thù địch nào với nước láng giềng. Đáp lại, Ankara khăng khăng cho rằng, Syria đã bắn máy bay của họ ở không phận quốc tế và họ coi đó là “hành động thù địch ở mức cao nhất”.
 
Phát biểu trên truyền hình quốc gia, Phó Thủ tướng Arinc cho biết: “Không còn nghi ngờ gì nữa, Syria đã cố tình bắn rơi máy bay của chúng tôi ở không phận quốc tế. Những bằng chứng mà chúng tôi nắm giữ cho thấy, chiến đấu cơ của chúng tôi bị bắn hạ bởi một tên lửa tầm nhiệt dẫn đường. Việc nhằm bắn một máy bay theo kiểu này mà không đưa ra lời cảnh báo nào trước rõ ràng là một hành động thù địch ở mức cao nhất”.
 
Ông Arinc cho hay, Thổ Nhĩ Kỳ đang cân nhắc biện pháp trả đũa. Cụ thể, trong một vài ngày nữa, nước này sẽ quyết định xem có cắt nguồn xuất khẩu điện sang Syria hay không. Trước đó, Ankara cho biết, họ không cắt nguồn cung cấp điện cho Damascus vì “các lý do nhân đạo”.
 
Mặc dù rất tức giận với nước láng giềng Syria nhưng Thổ Nhĩ Kỳ được cho là sẽ không tìm kiếm biện pháp trả đũa bằng quân sự. Phó Thủ tướng Arinc khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bảo vệ mình trong khuôn khổ của luật quốc tế nhưng “không có ý định gây chiến với bất kỳ ai”. Ankara đã gửi một bức thư lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nói rằng, vụ máy bay của họ bị bắn hạ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh trong khu vực. Tuy nhiên, trong bức thư này, Thổ Nhĩ Kỳ không hề yêu cầu Hội đồng Bảo an đưa ra hành động gì.
 
Trong lúc này, các máy bay cứu hộ của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm hai phi công mất tích. Tuy nhiên, hy vọng về sự sống sót của 2 viên phi công này đang ngày càng nhạt dần.
 
Mỹ tuyên bố sẽ bắt Syria “chịu trách nhiệm” trước Thổ Nhĩ Kỳ
 
Vụ việc Syria bắn rơi máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ đang vấp phải phản ứng mạnh mẽ của các cường quốc phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Nhà Trắng hôm qua cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Ankara và các đồng minh NATO khác để bắt Syria phải “chịu trách nhiệm” về hành động “cố tình” bắn hạ máy bay Thổ Nhĩ Kỳ trong “không phận quốc tế”.
 
Theo kế hoạch, NATO hôm nay sẽ có cuộc họp khẩn về vụ việc trên. Trong cuộc họp này, các nước thành viên NATO sẽ thảo luận và xem xét xem liệu việc Syria bắn rơi máy bay Thổ Nhĩ Kỳ có phải là một hành động tấn công nhằm vào cả liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương này hay không. Từ đó, NATO sẽ quyết định đòn trả đũa chung, thống nhất của NATO. Theo Điều V của văn bản thành lập NATO, một cuộc tấn công nhằm vào một thành viên của tổ chức được xem là cuộc tấn công nhằm vào cả liên minh.
 
"Chúng tôi sẽ đoàn kết với Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh then chốt của Mỹ. Chúng tôi sẽ hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ và các đối tác khác để buộc chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad phải chịu trách nhiệm”, phát ngôn viên Nhà Trắng - Jay Carney cho các phóng viên biết trên chiếc Air Force one.
 
Tuy nhiên, cũng giống như Ankara, ông Carney ám chỉ, Washington ưu tiên một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hiện nay.
 
Một hành động quân sự nhằm trừng phạt Syria là không thể. NATO hoạt động dựa trên nguyên tắc đồng thuận, nghĩa là muốn thông qua một hành động gì thì cần phải có sự nhất trí của tất cả các thành viên. Tuy nhiên, ngoài Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không muốn gây chiến tranh và Mỹ tuyên bố ủng hộ biện pháp ngoại giao, người phụ trách chính sách đối ngoại của EU – bà Catherine Ashton hôm qua cũng kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ “kiềm chế”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Westerwelle kêu gọi các bên bình tĩnh. Ông này nói: “Làm dịu tình hình là vô cùng quan trọng vào thời điểm này”.


Kiệt Linh - (theo AFP, Reuters, AP, BBC)

Ý kiến bạn đọc