Syria bắn hạ chiến đấu cơ của Thổ Nhĩ Kỳ

07:29, 23/06/2012
|

(VnMedia) - Syria hôm qua (22/6) đã bắn hạ một chiếc máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực Địa Trung Hải. Ankara nổi giận tuyên bố sẽ đáp trả một cách kiên quyết hành động của Damascus. Vụ việc này có nguy cơ đẩy cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài 16 tháng qua ở Syria thêm phần nghiêm trọng.
 
Một phát ngôn viên quân đội Syria cho biết, một chiếc chiến đấu cơ F-4 của Thổ Nhĩ Kỳ đã xâm nhập vào không phận Syria trưa ngày hôm qua và nó đã bị lực lượng pháo binh phòng không của quân đội bắn hạ. Phát ngôn viên này khẳng định, hành động của Syria phù hợp với luật pháp đang được áp dụng.
 
Trong một tuyên bố được phát đi trên đài truyền hình Syria, phát ngôn viên giấu tên trên cho hay, khoảng 11h40 trưa qua, “một vật thể bay không xác định” đã xâm nhập vào không phận Syria trên vùng lãnh hải của Syria. Vật thể này bay rất thấp và với tốc độ rất cao. Hệ thống phòng không Syria đã nhanh chóng phản ứng bằng việc bắn đạn pháo về phía vật thể đó khi nó đang ở khoảng cách 1km so với bờ biển. Sau khi trúng đạn, “vật thể bay không xác định” bốc cháy và rơi xuống khu vực cách bờ biển Syria 10km.
 
"Sau khi xác định, vật thể đó hóa ra là một phi cơ chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập bất hợp pháp vào không phận của chúng tôi. Chúng tôi đã hành động đúng theo luật định”, nguồn tin từ quân đội Syria cho biết thêm.
 
Phản ứng trước vụ việc trên, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, họ đang tìm kiếm hai phi công mất tích và sẽ xem xét hành động trả đũa. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho hay, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang phối hợp với nhau để tìm kiếm phi công mất tích. "Sau khi các cơ quan liên quan của chúng tôi đánh giá sự việc từ những thông tin thu thập được và từ chiến dịch tìm kiếm, cứu hộ với Syria, chúng tôi mới biết được, máy bay của chúng tôi bị bắn hạ bởi Syria”, Văn phòng của Thủ tướng Erdogan cho biết.
 
"Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đưa ra lập trường cuối cùng sau khi vụ việc được làm sáng tỏ. Chúng tôi sẽ có những bước đi cần thiết và kiên quyết sau đó", Văn phòng của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ sau cuộc họp khẩn cấp 2 giờ đồng hồ giữa ông Erdogan với các quan chức quân sự, tình báo hàng đầu. Được biết, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu tập Tổng tham mưu trưởng quân đội, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Nội vụ, Ngoại trưởng, người đứng đầu cơ quan tình báo và cả Tư lệnh Không quân đến cuộc họp khẩn về vụ máy bay của họ bị Syria bắn hạ.
 
Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ trước đó đưa tin, Syria đã xin lỗi về vụ bắn hạ máy bay nhưng ông Erdogan không đề cập gì về diễn biến mới này.
 
Với lực lượng quân đội lớn thứ 2 trong NATO và được rèn luyện, thử thách trong cuộc chiến kéo dài gần 30 năm chống lại quân nổi dậy người Kurd, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một đối thủ đáng sợ đối với quân đội Syria. Hiện tại, Thủ tướng Erdogan mới chỉ tuyên bố sẽ đáp trả Syria một cách kiên quyết nhưng ông này chưa hề cho biết cụ thể sẽ áp dụng biện pháp trả đũa nào với nước láng giềng đang chìm trong bạo loạn.

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước can thiệp mạnh mẽ nhất vào Syria. Nước này liên tục kêu gọi Tổng thống Assad từ chức. Hiện có 32.000 người tị nạn Syria đang ở Thổ Nhĩ Kỳ và Ankara cũng cho phép Quân đội Syria Tự do của phe nổi dậy hoạt động từ lãnh thổ của mình.
 
Hội nghị quốc tế về Syria sẽ diễn ra vào 30/6
 
Khi cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria diễn biến theo chiều hướng ngày một xấu, cộng đồng quốc tế đã đẩy mạnh các nỗ lực nhằm tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng này. Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Ả-rập về vấn đề Syria – cựu Tổng thư ký Kofi Annan hôm qua cho biết, một hội nghị quốc tế về Syria có thể sẽ diễn ra ở Geneva vào ngày 30/6 tới.
 
Theo lời ông Annan, ông sẽ có cuộc họp với bộ trưởng đến từ “các nước có ảnh hưởng” để thảo luận về những biện pháp và hành động nhằm đảm bảo kế hoạch hòa bình 6 điểm của ông này được thực thi.
 
"Đã đến lúc các nước có ảnh hưởng cần phải tăng cường gây áp lực lên các phe phái ở Syria và thuyết phục họ rằng, việc chấm dứt bạo lực và ngồi lại đàm phán sẽ có lợi cho họ", đặc phái viên Annan phát biểu tại một cuộc họp báo.
 
Cuộc họp ở Geneva vào ngày 30/6 tới ngoài sự tham gia của các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc còn có sự góp mặt của những nước có ảnh hưởng nhất định đến một trong hai phe ở Syria. Ông Annan khẳng định, trong những nước này chắc chắn có Iran. "Tôi đã nói rõ rằng, tôi tin Iran sẽ là một phần của giải pháp”, ông Annan nói thêm.
 
Các nước phương Tây vốn không ưa gì Iran nên họ không muốn nước CH Hồi giáo tham ra vào cuộc họp tìm kiếm giải pháp cho tình hình Syria. Tuy nhiên, cả Nga và đặc phái viên Annan lại tin rằng, vai trò của Iran rất quan trọng trong tiến trình giải quyết vấn đề Syria. Iran cùng với Nga là hai đồng minh thân thiết với chính quyền của Tổng thống Assad. Tehran được cho là đã giúp đỡ rất nhiều cho ông Assad trong thời gian khó khăn vừa qua. Ngoài việc giúp đỡ về vũ khí, thiết bị, Iran còn giúp đào tạo binh lính và đưa ra các lời tư vấn cho chính phủ Syria.


Kiệt Linh - (theo Reuters, AFP, THX)

Ý kiến bạn đọc