Phi công Syria đào ngũ – cú sốc mới cho Assad

09:56, 22/06/2012
|

(VnMedia) - Một đại tá không quân của Syria hôm qua (21/6) đã lái chiếc chiến đấu cơ MiG đào tẩu sang Jordan và xin được tị nạn chính trị ở nước này. Đây là một cú sốc mới đối với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở Syria đang diễn biến ngày một nghiêm trọng.
 
Đại tá Hassan Hamada đã hạ cánh tại căn cứ không quân Quốc vương Hussein, cách thành phố lớn Amman của Jordan khoảng 80km về phía đông bắc. Ngay sau đó, ông này đã xin quy chế tị nạn chính trị ở Jordan, các quan chức Jordan cho biết. Đại tá Hamada là viên phi công đầu tiên mang theo cả máy bay chiến đấu đào tẩu ra khỏi đất nước Syria kể từ khi cuộc nổi dậy ở nước này nổ ra hồi đầu năm ngoái.
 
"Nội các của chúng tôi đã quyết định cấp quy chế tị nạn cho phi công Syria theo yêu cầu của ông này", Bộ trưởng Thông tin Jordan – ông Samih al-Maaytah đã cho phóng viên Reuters biết như vậy.
 
Các nguồn tin từ phe nổi dậy Syria cho hay, phi công Hamada, 44 tuổi, đã đưa gia đình của mình đến Thổ Nhĩ Kỳ trước khi thực hiện cuộc đào tẩu gây chú ý nói trên.
 
Bộ Quốc phòng Syria đã gọi phi công Hamada là “một kẻ phản bội tổ quốc và danh dự của một quân nhân”. Theo Bộ Quốc phòng Syria, họ sẽ trừng phạt ông Hamada theo quân luật và đang liên lạc với phía Jordan để lấy lại chiếc máy bay chiến đấu MiG. Syria có một lực lượng không quân khá hùng hậu. Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho biết, Không quân Syria có 40.000 binh lính và 365 máy bay chiến đấu, trong đó có 50 chiếc MiG-23 Flogger và MiG-29 Fulcrum.
 
Ở thủ đô Washington, Lầu Năm Góc đã tỏ ra rất vui mừng trước thông tin trên. "Chúng tôi rất hoan nghênh quyết định đúng đắn của phi công Hamada. Từ lâu, chúng tôi đã luôn kêu gọi các thành viên của Lực lượng Vũ trang Syria và các thành viên của chính quyền Syria đào ngũ và rời bỏ các vị trí của họ hơn là trở thành những kẻ đồng lõa trong các vụ thảm sát của chính quyền”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc – ông George Little cho biết.
 
Cuộc đào tẩu của Đại tá Hamada là một cú sốc mới đối với chính quyền của Tổng thống Assad. Nó cũng được cho là sẽ khích lệ tinh thần cho lực lượng nổi dậy trong bối cảnh quân chính phủ đang đẩy mạnh các cuộc tấn công nhằm vào những thành trì của họ.
 
Hàng ngàn binh lính Syria đã đào ngũ trong hơn 15 tháng diễn ra cuộc nổi dậy chống chính quyền của ông Assad. Lực lượng này đã trở thành đội quân xương sống của quân đội nổi dậy. Tuy nhiên, không giống với cuộc nổi dậy ở Libya và Yemen hồi năm ngoái, không có thành viên nào trong nội các của Tổng thống Assad phản bội lại ông này.
 
Vụ đào tẩu đáng chú ý nhất trong quân đội Syria đến thời điểm này là vụ của Đại tá Riad al-Asaad hồi tháng 7 năm ngoái. Sau khi chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ, ông này đã giúp phe nổi dậy thiết lập Quân đội Syria Tự do. Tuần trước, Thiếu tướng Ahmad Berro, người đứng đầu một đơn vị thiết giáp ở tỉnh Aleppo, cũng đã cùng gia đình chạy trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ.
 
Quân đội Syria tiếp tục tấn công không ngừng vào phe nổi dậy
 
Quân đội Syria hôm qua tiếp tục thực hiện những cuộc oanh kích dữ dội và dồn dập vào các khu vực trung tâm ở Homs bất chấp lệnh ngừng bắn tạm thời đang được thực thi nhằm tạo điều kiện sơ tán dân thường và người bị thương ra khỏi những vùng nguy hiểm. Homs là điểm nóng bỏng nhất trong cuộc nổi dậy kéo dài hơn 15 tháng qua ở đất nước Trung Đông.
 
Các nhân viên của Hội chữ Thập đỏ Quốc tế (ICRC) và Hội chữ Thập đỏ Syria đã bị buộc phải quay trở lại vì những vụ đọ súng vẫn diễn ra liên tiếp. “Chúng tôi không thể xác định những vụ nổ súng đó xuất phát từ đâu”, phát ngôn viên của ICRC – ông Hicham Hassan cho biết.
 
"Chúng tôi vẫn đang nỗ lực tìm cách tiếp cận với các khu vực bị ảnh hưởng ở thành phố Homs nhưng chúng tôi không thể biết được khi nào chúng tôi có thể thực hiện được điều đó. Chúng tôi vẫn đang đàm phán với các phe phái ở Syria", ông Hassan cho biết thêm. Hiện tại, các nhân viên cứu trợ đã phải quay trở lại thủ đô Damascus.
 
Trong lúc này, chính phủ và phe nổi dậy đổ lỗi cho nhau về việc đã cản trở các phái đoàn nhân đạo làm nhiệm vụ của họ. Đài Truyền hình quốc gia Syria tố cáo “các nhóm khủng bố có vũ trang” đã phá hỏng sứ mệnh của Hội chữ Thập đỏ ở Homs. Trong khi đó, phe nổi dậy lại cáo buộc, các cuộc oanh kích dữ dội của quân đội là nguyên nhân khiến cho hoạt động sơ tán dân thường bị cản trở.
 
"Quân đội không có ý định làm dịu tình hình nhân đạo ở đây. Họ muốn phá hủy Homs”, một nhà hoạt động ở Homs có tên là Abu Salah cho biết.
 
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria ủng hộ phe nổi dậy cho biết, 125 người đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực nổ ra khắp đất nước Trung Đông ngày hôm qua, trong đó có ít nhất 18 nạn nhân ở Homs.
 
Ngoài Homs, Douma cũng là nơi phải chứng kiến các cuộc giao tranh ác liệt giữa quân chính phủ và phe nổi dậy trong những ngày gần đây. Riêng ngày hôm qua, đã có ít nhất 20 người thiệt mạng khi phe nổi dậy chống lại lực lượng quân chính phủ có sự hậu thuẫn của xe tăng nhằm ngăn không cho họ tiến sâu vào quận Douma.

Theo con số thống kê do Liên Hợp Quốc cung cấp, hơn 10.000 người đã bị giết hại bởi lực lượng trung thành với Tổng thống Assad trong cuộc xung đột hiện nay. Trong khi đó, chính phủ Syria cáo buộc các nhóm khủng bố vũ trang dưới sự hậu thuẫn của nước ngoài đã sát hại ít nhất 2.600 binh lính và nhân viên an ninh.


Kiệt Linh - (theo Reuters, AFP, DM)

Ý kiến bạn đọc