Obama bất lực trước một Putin cứng rắn

19:17, 20/06/2012
|

(VnMedia) - Bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Mexico, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tìm cách thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin ủng hộ việc lật đổ chính phủ Syria. Tuy nhiên, ông Obama đã thất bại trước một Putin đầy cứng rắn.
 
Cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Syria chứng kiến sự đối đầu quyết liệt giữa các cường quốc. Trong khi phương Tây do Mỹ dẫn đầu đang nỗ lực tìm cách lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad thì Nga và Trung Quốc lại phản đối động thái này. Nga được xem là nước có ảnh hưởng rất lớn đối với Syria.
 
Đầu tuần này, cả thế giới đã dồn mọi con mắt về cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Obama và người đồng cấp Putin bên lề hội nghị G-20 ở Mexico về vấn đề Syria. Dù hầu hết các nhà phân tích đều dự đoán, cuộc gặp gỡ này sẽ không đạt được bước đột phá nào trong việc tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Syria nhưng nhiều người vẫn hy vọng.
 
Tuy nhiên, đúng như dự đoán của giới phân tích, Tổng thống Obama đã bất lực trước người đồng cấp Putin đầy cứng rắn. Ông chủ Nhà Trắng không thể thuyết phục Nga đồng ý với việc lật đổ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.
 
Tại cuộc hội đàm hôm 18/6, Tổng thống Obama đã nói với người đồng cấp Putin rằng, Tổng thống Assad không nên tiếp tục cầm quyền sau khi xảy ra một số vụ thảm sát dân thường đẫm máu ở đất nước Trung Đông trong thời gian vừa qua. Ông Obama nhấn mạnh, chính quyền của Tổng thống Assad đã mất hoàn toàn tính hợp pháp và rằng không thể tìm được bất kỳ giải pháp nào cho Syria mà trong đó, ông Assad vẫn yên vị.
 
Đáp lại những phát biểu trên, Tổng thống Nga Putin khẳng định: "Chúng tôi tin rằng, không ai có quyền quyết định thay cho các nước khác về việc ai nên cầm quyền và ai không nên cầm quyền. Việc thay đổi chính quyền không quan trọng mà quan trọng là sau khi thay đổi chính quyền theo một cách hợp hiến, bạo lực phải được ngăn chặn và hoà bình sẽ đến với nước đó”.
 
Không chỉ thất bại trong việc thuyết phục ông Putin, Tổng thống Mỹ cũng không thể làm thay đổi quan điểm và lập trường của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong vấn đề Syria. Bắc Kinh cùng với Moscow là hai nước luôn phản đối sự can thiệp của phương Tây vào tình hình Syria.
 
Phát biểu tại hội nghị G-20, Tổng thống Obama đã phải thừa nhận thất bại trong việc tìm kiếm một bước đột phá trong các cuộc hội đàm với Tổng thống Nga và Chủ tịch Trung Quốc về vấn đề Syria.
 
"Lúc này, tôi không thể nói, Mỹ và phần còn lại của cộng đồng quốc tế đang có chung lập trường với Nga và Trung Quốc về vấn đề Syria. Tuy nhiên, tôi nghĩ, hai nước đó đều thừa nhận những nguy cơ thực sự về một cuộc nội chiến toàn diện bùng nổ ở Syria", ông Obama đã cho các phóng viên biết như vậy.
 
Các nước phương Tây cùng với đồng minh Hồi giáo dòng Sunni ở vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách lật đổ chính phủ của Tổng thống Assad. Trong khi đó, Nga, Trung Quốc và Iran đang bảo vệ ông Assad khỏi sự đáp trả mạnh mẽ của liên minh trên.
 
Giao tranh ác liệt bùng lên khắp Syria
 
Khi các cường quốc tiếp tục bất đồng về cách thức xử lý cuộc khủng hoảng ở Syria thì tình hình bạo lực ở đất nước này cũng leo thang từng ngày. Một người dân ở Homs – khu vực nóng bỏng nhất Syria, cho biết, người ta có thể nghe thấy những tiếng nổ đinh tai nhức óc vang lên khắp thành phố. Khu vực ngoại ô Douma bên ngoài thủ đô Damascus thì rền vang tiếng đạn pháo. Trong khi đó, các cuộc giao tranh ác liệt bùng lên giữa quân chính phủ và lực lượng nổi dậy ở tỉnh phía bắc Aleppo, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
 
Làn sóng bạo lực đẫm máu leo thang không dứt đã khiến tình hình ở Syria hiện tại không khác gì một cuộc nội chiến. Tình hình đáng lo ngại đến mức nhóm quan sát viên của Liên Hợp Quốc được cử đến giám sát việc thực thi lệnh ngừng bắn ở Syria buộc phải chấm dứt hoạt động của họ hồi cuối tuần trước. Các quan sát viên này cho biết, họ lo ngại cho tính mạng và sự an toàn của mình.
 
Tướng Robert Mood – người đứng đầu nhóm giám sát viên của Liên Hợp Quốc ở Syria, cho biết tại một cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an rằng, lực lượng giám sát viên gồm 300 thành viên đã bị tấn công bằng súng hoặc bởi những đám đông giận dữ ít nhất 10 lần trong tuần qua.
 
Các nhà ngoại giao phương Tây cho rằng, chẳng có ích gì khi để nhóm quan sát viên Liên Hợp Quốc ở lại Syria khi mà chính phủ của Tổng thống Assad không chỉ phớt lờ kế hoạch hoà bình của ông Annan mà còn tăng cường các cuộc tấn công quân sự vào phe nổi dậy.
 
Theo các nhà hoạt động, ít nhất 2.000 người đã thiệt mạng kể từ khi Syria thực hiện theo thoả thuận ngừng bắn từ hôm 12/4. Rõ ràng, thoả thuận ngừng bắn này đã bị phá vỡ. Cả quân chính phủ và phe nổi dậy đều đỗ lỗi cho nhau về việc đã vi phạm lệnh ngừng bắn. Với sức mạnh gia tăng, lực lượng nổi dậy cũng đang đẩy mạnh các cuộc tấn công và phản công nhằm vào quân chính phủ.


Kiệt Linh - (theo AFP, Reuters, AP)

Ý kiến bạn đọc