Mỹ gặp khó trên đường trở về Châu Á

11:24, 16/06/2012
|

(VnMedia) - Các quan chức hàng đầu của Mỹ đã có nửa tháng hoạt động ngoại giao sôi động ở một loạt nước Châu Á, từ những cường quốc lớn như Ấn Độ đến nước nhỏ hơn là Singapore. Điều đó cho thấy, chính quyền Tổng thống Barack Obama nghiêm túc như thế nào với kế hoạch tái khẳng định vị trí cường quốc Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, kế hoạch đó đang vấp phải một số cản trở.
 
Thậm chí khi cuộc xung đột ở Syria đang diễn biến ngày một nghiêm trọng trong tháng này thì các quan chức hàng đầu của chính quyền Obama vẫn dành phần lớn thời gian cho các đồng nghiệp ở Châu Á.
 
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã có một chuyến công du đầy bận rộn đến Singapore, Ấn Độ... Tổng thống Obama thì đón tiếp Tổng thống Philippines Benigno Aquino ngay tại Nhà Trắng, trong khi Ngoại trưởng Hillary Clinton chào đón một loạt người đồng cấp đến từ Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ và Hàn Quốc.
 
Hầu như tất cả những nước ở trên đều có thể trở thành một điểm mâu thuẫn tiềm năng giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhiều trong số những nước này có chung mối quan ngại với Washington về ảnh hưởng kinh tế và quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
 
"Tất cả những động thái của Mỹ diễn ra trong thời gian qua đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ truyền đi một thông điệp. Đó là, chúng tôi đang chú ý đến khu vực và điều đó cực kỳ quan trọng đối với chúng tôi. Chúng tôi dự định sẽ tập trung nhiều hơn vào khu vực này", ông Michael Mazza, một chuyên gia về an ninh ở Washington, cho biết.
 
Tuy nhiên, theo ông Mazza và các nhà phân tích khác, những cuộc gặp gỡ hay các hoạt động phát đi thông điệp là một phần rất dễ trong chính sách quay trở lại Châu Á của Mỹ. Việc Trung Quốc liên tiếp tăng cường sức mạnh quân sự và thể hiện lập trường ngày một cứng rắn trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng yếu hơn đã vô tình tạo thêm động lực cho Mỹ khẳng định vị thế cường quốc trong khu vực.
 
Tuy nhiên, phần khó hơn trong việc thực hiện chính sách quay trở lại Châu Á của Mỹ đang ở phía trước. Đó là, Washington phải làm sao đáp ứng được kỳ vọng của các đối tác – trong đó có việc phải tập trung ý chí chính trị để vượt qua những thâm hụt về tài chính của Mỹ, đồng thời, xóa tan ý nghĩ ngày càng lớn của dư luận thế giới về việc sức mạnh Mỹ đang suy giảm và Trung Quốc thì đang tăng lên.
 
Chính sách của Mỹ cũng khiến nước này bị yêu ghét lẫn lộn ở Ấn Độ và các nước khác trong khu vực. Ngoài ra, giới lãnh đạo một số nước e ngại những nguy cơ chính trị khi đến quá gần với Washington.
 
Quan trọng hơn, chiến lược của Mỹ ngoài việc vấp phải sự chỉ trích gay gắt của Trung Quốc trong lời nói thì chưa được thử thách theo một cách nghiêm túc. Thử thách đó có thể xảy ra ví dụ như trong trường hợp cuộc đối đầu gần đây giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông trở nên trầm trọng hơn, biến thành một cuộc xung đột vũ trang. Lúc này, theo nghĩa vụ được đưa ra trong Hiệp ước Phòng thủ chung, Mỹ sẽ phải can thiệp vào để giúp Manila.
 
Sự mập mờ của Mỹ
 
Trong khi tích cực thực hiện các hoạt động lôi kéo sự ủng hộ của các nước Châu Á, giới lãnh đạo Mỹ vẫn luôn miệng khẳng định, chính sách ngoại giao sôi động của họ ở Châu Á-Thái Bình Dương trong thời qua “không nhằm vào bất kỳ nước nào”. Tuy nhiên, lời bảo đảm này không những chẳng có giá trị thực mà còn khiến nhiều nước trong khu vực hoài nghi về ý định của Mỹ.
 
"Trong trường hợp Australia, nước này đang quan tâm liệu Mỹ muốn làm gì khi đưa ra lời bảo đảm với Trung Quốc rằng, đó không phải là một chính sách kiềm chế. Người Trung Quốc chắc chắn không tin vào lời đảm bảo này", nhà phân tích Michael McKinley ở trường Đại học Quốc gia Australia nhận định.
 
Trong khi đó, những phát biểu của Washington lại có lợi cho các nước Châu Á muốn tìm kiếm sự bảo đảm về an ninh từ Mỹ nhưng không muốn hy sinh mối quan hệ thương mại quan trọng với Trung Quốc.
 
Những diễn biến trên cho thấy, trong khi một số nước, nhất là Australia và các đồng minh của Mỹ, công khai thể hiện sự ủng hộ đối với chính sách quay trở lại Châu Á của  Washington thì các nước khác lại phản ứng một cách lặng lẽ và thận trọng. Đây là những nước muốn giữ thế cân bằng trong mối quan hệ với cả hai siêu cường Trung, Mỹ.
 
Có thể nói, các nước Châu Á đang chơi những lá bài khác nhau trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc với mục đích cuối cùng và cao nhất là bảo vệ lợi ích của họ.


Kiệt Linh - (theo Reuters)

Ý kiến bạn đọc