Bị Mỹ bao vây, Trung Quốc quay sang Nga?

20:34, 05/06/2012
|

(VnMedia) - Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay (5/6) đã đặt chân đến thủ đô Bắc Kinh trong chuyến thăm đầu tiên của ông này đến Trung Quốc kể từ khi lên nhậm chức hồi đầu tháng trước. Chuyến thăm của ông Putin được cho là nhằm củng cố quan hệ liên minh Nga-Trung, làm đối trọng với Mỹ.
 
Tổng thống Putin sẽ có các cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào ngay trong ngày hôm nay. Hai nhà lãnh đạo được cho là sẽ đề cập đến cuộc khủng hoảng ở Syria, Iran đồng thời thảo luận về các mối quan hệ hợp tác thương mại, năng lượng song phương. Sau các cuộc gặp gỡ với giới quan chức cấp cao Trung Quốc, ông Putin sẽ tham dự một hội nghị thượng đỉnh an ninh khu vực diễn ra vào cuối tuần này.
 
Nga, Trung đều “ấm ức” với Mỹ
 
Cả Nga và Trung Quốc đều đang có những điều ấm ức với Mỹ. Vì vậy, hai nước này được cho là đang có ý định bắt tay với nhau làm đối trọng với cường quốc số 1 thế giới này.
 
Trong thời gian qua, người ta chứng kiến những hoạt động ngoại giao, quân sự hết sức sôi động của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương – khu vực được coi là “sân sau” của Trung Quốc. Kể từ cuối năm ngoái, Bắc Kinh đã cảm thấy bất an và lo lắng trước việc Mỹ tuyên bố quay trở lại Châu Á-Thái Bình Dương. Sự quan ngại của Trung Quốc tăng lên khi những tháng gần đây, Mỹ đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của nước này ở Châu Á nói chung và Biển Đông nói riêng. Bắc Kinh cáo buộc, Mỹ đang tìm cách bao vây, kiềm chế sự nổi lên của họ.
 
Trong khi đó, về phía Nga, Moscow không hài lòng trước cách giải quyết vấn đề lá chắn tên lửa của Mỹ ở Châu Âu. Moscow từ lâu đã phản đối kế hoạch của Mỹ trong việc thiết lập các cơ sở phòng thủ tên lửa gần biên giới nước này vì cho rằng các hệ thống đó sẽ làm ảnh hưởng đến an ninh nước Nga.
 
Washington liên tục khẳng định hệ thống lá chắn tên lửa của họ ở Châu Âu là nhằm để ngăn chặn những cuộc tấn công có thể xảy ra từ phía Iran và Triều Tiên. Moscow yêu cầu Mỹ phải đảm bảo trên “giấy trắng mực đen” rằng, hệ thống lá chắn tên lửa của họ ở Châu Âu không nhằm chống Nga. Tuy nhiên, Mỹ đến nay vẫn bác bỏ yêu cầu đó. Việc Mỹ từ chối đòi hỏi của Nga đã khiến Moscow thực sự tức giận.
 
Với việc cả Nga và Trung Quốc đều đang bất mãn với Mỹ thì chuyện hai nước này tìm cách thắt chặt quan hệ với nhau, làm đối trọng với Washington là điều dễ hiểu. Chính vì thế, Tổng thống Putin mới đến thăm Trung Quốc trong thời điểm nhạy cảm này.
 
Nga, Trung thắt chặt quan hệ
 
Trước khi Tổng thống Putin đặt chân đến thủ đô Bắc Kinh, giới lãnh đạo Nga đã dùng những lời có cánh để nói về mối quan hệ giữa hai nước. Trong bài báo được đăng tải hồi tháng Hai có nhan đề “Nga và Thế giới đang thay đổi”, Tổng thống Putin đã đặt Trung Quốc là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga đối với các nước Châu Á-Thái Bình Dương. Ông này cam kết sẽ “dựa vào cơn gió từ Trung Quốc” để thúc đẩy nền kinh tế nội địa.
 
Mới đây nhất, ngay trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Putin, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, trong đó ông này miêu tả, mối quan hệ Nga-Trung đã được đưa lên một tầm cao chưa từng có.
 
Trong khi ở thăm Trung Quốc từ ngày 5-7/6, ông Putin được cho là sẽ thảo luận với giới lãnh đạo cấp cao hàng đầu của Trung Quốc về việc mở rộng mối quan hệ hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng, kinh tế và an ninh.
 
Trên chính trường thế giới, lãnh đạo Nga và Trung Quốc sẽ tiếp tục lập liên minh chống lại sự can thiệp của Mỹ và phương Tây vào Syria.
 
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria là nơi chứng kiến sự đối đầu giữa các cường quốc thế giới. Các cường quốc phương Tây do Mỹ dẫn đầu mâu thuẫn với Nga và Trung Quốc về cách thức xử lý cuộc khủng hoảng Syria. Nếu như phương Tây muốn Tổng thống Assad phải từ chức thì Nga, Trung lại tìm cách chống lại nỗ lực thay đổi chính quyền ở đây. Cả Bắc Kinh và Moscow đều kiên quyết phản đối mọi sự can thiệp của phương Tây vào chính trường đất nước Trung Đông. Hai nước này tuyên bố sẽ không để các cường quốc phương Tây biến Syria thành Libya thứ hai.
 
Mặc dù có nhiều quan điểm chung cũng như lợi ích chung nhưng Nga và Trung Quốc không phải là không có những bất đồng. Giữa hai nước này vẫn còn tồn tại một số tranh cãi và sự thiếu tin tưởng lẫn nhau. Moscow không hài lòng với việc Trung Quốc liên tục sao chép các công nghệ sản xuất chiến đấu cơ và nhiều loại vũ khí, thiết bị quân sự khác của Nga. Hơn nữa, Nga cũng luôn coi Trung Quốc là một mối đe doạ tiềm năng với nước này. Chính vì thế, Moscow vẫn có kế hoạch quân sự nhằm đề phòng nước láng giềng của mình.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc