Bị dồn ép, Nga bỏ rơi Syria?

07:29, 15/06/2012
|

(VnMedia) - Tin đồn đang dấy lên về việc Nga bỏ rơi đồng minh Syria sau khi có tin Nga và Mỹ có cuộc họp thảo luận về chiến lược chuyển giao quyền lực thời hậu Assad.
 
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua (14/6) cho biết, nước này cùng với Nga đang tích cực bàn bạc về vấn đề chuyển tiếp thời hậu Assad bất chấp hai nước vẫn còn bất đồng về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria.
 
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert Burns đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bên lề một cuộc họp ở Kabul để thảo luận về một loạt vấn đề, trong đó có cuộc khủng hoảng ở Syria. “Đó là một cuộc đối thoại trên tinh thần xây dựng. Tôi sẽ không nói là không còn mâu thuẫn. Vẫn có những bất đồng nhưng đó là cuộc thảo luận trên tinh thần xây dựng. Và chúng tôi sẽ tiếp tục bàn bạc với phía Nga về cuộc khủng hoảng ở Syria”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ - bà Victoria Nuland đã cho biết như vậy tại một cuộc họp báo.
 
Ngay từ khi các cuộc biểu tình chống chính phủ Syria nổ ra từ hồi đầu năm ngoái, Nga đã luôn ở tư thế đối đầu với các cường quốc, đặc biệt là Mỹ, trong vấn đề xử lý cuộc khủng hoảng chính trị ở quốc gia Trung Đông này. Trong khi Washington cùng các đồng minh liên tục gây sức ép đòi chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad phải từ chức thì Moscow lại ủng hộ mạnh mẽ cho chính quyền này và kiên quyết phản đối mọi sự can thiệp của phương Tây. Nga tuyên bố sẽ không để các cường quốc phương Tây biến Syria thành Libya thứ hai.
 
Không chỉ ủng hộ bằng lời nói, Nga còn có rất nhiều hành động cụ thể để “chống lưng” cho chính quyền của Tổng thống Assad. Hồi cuối năm ngoái, Nga đã điều một loạt tàu chiến và vũ khí tối tân đến vùng lãnh hải gần Syria. Ngoài ra, có tin Moscow còn cung cấp một loạt hệ thống phòng không hiện đại S-300 cũng như các hệ thống radar đến cho Syria. Gần đây, có nhiều tin đồn xuất hiện về việc Nga chở hàng chục tấn vũ khí đến cho Syria.
 
Nga cùng với Trung Quốc đã hai lần dùng quyền phủ quyết để bác bỏ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm chống lại Damascus. Lý do mà Nga và Trung Quốc đưa ra là, các nghị quyết đó đều thể hiện quan điểm một chiều, phiến diện, đứng về phe nổi dậy chống lại chính quyền Syria. Tuy nhiên, Moscow và Bắc Kinh ủng hộ mạnh mẽ cho kế hoạch hòa bình 6 điểm mà cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan đưa ra nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria. Kế hoạch này yêu cầu cả quân chính phủ và phe nổi dậy rút vũ khí ra khỏi các thành phố và ngừng bắn.
 
Các cường quốc phương Tây đang nỗ lực tìm mọi cách để thuyết phục Nga gây sức ép buộc Tổng thống Assad phải trao lại quyền lực cho phe đối lập trước khi cuộc khủng hoảng ở Syria leo thang thành một cuộc nội chiến. Mocsow đã kiên quyết bác bỏ các nỗ lực của phương Tây nhằm thay đổi chính quyền ở Syria. Tuy nhiên, sau cuộc họp ngày hôm qua giữa Nga và Mỹ, nhiều người đang đặt câu hỏi, liệu có phải Nga đang bỏ rơi Syria khi bàn về thời kỳ hậu Assad. 
 
Giao tranh ác liệt vẫn nổ ra khắp đất nước Syria

Trong khi Nga, Mỹ vẫn chưa thể tìm tiếng nói chung trong vấn đề Syria thì cuộc khủng hoảng ở đất nước Trung Đông này vẫn diễn biến theo chiều hướng xấu đi. Quân chính phủ và phe nổi dậy tiếp tục có những cuộc giao tranh, đụng độ ác liệt và đẫm máu. Các nhà hoạt động cho biết, lực lượng trung thành với Tổng thống Assad đang tăng cường các cuộc tấn công vào những khu vực của phe nổi dậy trên khắp cả nước.
 
Những vụ bạo lực xảy ra trong ngày hôm qua đã cướp đi sinh mạng của 44 người, trong đó hầu hết là dân thường và chiến binh nổi dậy. Quân của ông Assad đã sử dụng xe tăng, trực thăng để tấn công những khu vực đang nằm trong sự kiểm soát của phe nổi dậy ở gần thủ đô Damascus, một số vùng ở tỉnh phía đông Deir al-Zor và những ngôi làng ở phần phía tây và phía bắc của tỉnh Aleppo, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
 
Ở Douma, cách thủ đô Damascus khoảng 15km, các nhà hoạt động cho biết, xe tăng chính phủ đã tấn công vào khu vực ngoại ô thành phố và quân chính phủ đã có cuộc đụng độ ác liệt với các chiến binh nổi dậy ở đây. Ít nhất 2 người chết và 15 người bị thương trong các cuộc giao tranh này. "Đó là một cuộc chiến tranh thực sự. Có 10 xe tăng ở bên ngoài thành phố nhưng phe nổi dậy đã phá hủy một chiếc”, một nhà hoạt động có tên là Ziad cho biết.
 
Trước đó một ngày, quân chính phủ đã đánh bật lực lượng nổi dậy ra khỏi thành phố Heffa. Tuy nhiên, thành phố này giờ đây hoang vắng, đổ nát khi hầu hết người dân đã chạy khỏi đây để tìm đến những nơi an toàn hơn. Cả thành phố Heffa hiện tại giống như một chiến trường thực sự với những ngôi nhà bị đốt cháy, những cửa hàng bị bỏ hoang và thi thể nằm trên đường. Khói lửa âm ỉ vẫn bốc ra từ những ngôi nhà và những chiếc xe hơi đang cháy dở.
 
Sau khi kế hoạch hòa bình của ông Annan bị đổ vỡ, bạo lực bùng phát khắp đất nước Syria trong những tuần gần đây. Quân chính phủ tăng cường các chiến dịch tấn công nhằm giành giật lại những vùng đất đã mất vào tay phe nổi dậy. Lực lượng nổi dậy Syria hiện tại đã mạnh lên ít nhiều nên các cuộc giao tranh trở nên ác liệt và đẫm máu hơn.
 
Theo con số thống kê của Liên Hợp Quốc, sau hơn 15 tháng diễn ra cuộc nổi dậy ở Syria, đã có hơn 10.000 người thiệt mạng. Tuy nhiên, chính phủ Syria khẳng định, con số này là 2.600 người, trong đó có nhiều binh lính và nhân viên an ninh bị giết hại bởi lực lượng “khủng bố được nước ngoài hậu thuẫn”.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc