Ấn Độ ngỡ ngàng vì sự “đón tiếp” của tàu chiến Trung Quốc

18:45, 15/06/2012
|

(VnMedia) - Khi 4 tàu của hải quân Ấn Độ rời Philippines hồi đầu tháng này để lên đường đến thăm Hàn Quốc, họ đã bị một phen ngỡ ngàng vì sự “đón tiếp” bất ngờ của một tàu chiến Trung Quốc.
 
Một tàu của Lực lượng Hải quân thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa gần đây đã ra đón tiếp và hộ tàu tàu khu trục Shivalik của Hải quân Ấn Độ, khi con tàu này đang đi trong vùng lãnh hải quốc tế ở Biển Đông.
 
Shivalik là tàu đô đốc dẫn đầu nhóm 4 tàu đang thực hiện chuyến thăm đến một loạt nước ở khu vực Châu Á, trong đó có Singapore, Việt Nam, Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản. Trung Quốc là chặng dừng chân cuối cùng trong hải trình dài ngày của nhóm tàu này.
 
“Đón chào đến Biển Đông, Foxtrot 47”, tàu chiến Trung Quốc đã giương biểu ngữ này khi đón tiếp tàu của Ấn Độ ở vùng lãnh hải quốc tế. Trong 12 giờ đồng hồ sau đó, tàu chiến Trung Quốc đã hộ tống tàu của Ấn Độ suốt dọc đường đi ở Biển Đông. Nhiều người trên tàu của Ấn Độ đã ngỡ ngàng trước việc tàu chiến Trung Quốc đi theo tàu chiến của họ suốt nửa ngày.
 
Tàu của Hải quân Trung Quốc biết rõ, 4 tàu của Ấn Độ đang trên đường đến thăm Hàn Quốc và sẽ có chuyến ghé thăm cảng Thượng Hải vào thời gian sau đó. Tuy nhiên, tàu chiến Trung Quốc vẫn hộ tống tàu của Ấn Độ ở vùng biển mà Ấn Độ và các nước khác coi là vùng lãnh hải quốc tế.
 
“Giọng điệu của thông điệp mà tàu hải quân Trung Quốc đưa ra nghe có vẻ rất chào đón nhưng nó giống như thể chúng tôi đang đi qua vùng lãnh hải của Trung Quốc”, một quan chức giấu tên của Ấn Độ cho biết như vậy.
 
Nhóm tàu chiến của Ấn Độ đã cập cảng Thượng Hải hôm thứ Tư (13/6) vừa rồi. Đây là lần đầu tiên 4 tàu chiến của Ấn Độ đến thăm một cảng của Trung Quốc. Chuyến thăm kéo dài 1 tháng của nhóm tàu chiến Ấn Độ do tàu khu trục tàng hình Shivalik dẫn đầu đã phản ánh sự quan tâm ngày một lớn hơn của New Delhi trong việc bảo vệ các lợi ích hàng hải ở Châu Á-Thái Bình Dương. Nó diễn ra vào thời điểm nhạy cảm khi Trung Quốc vừa phải trải qua một cuộc đối đầu gay gắt và quyết liệt kéo dài suốt 2 tháng với Philippines vì tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông.
 
Trong cuộc tranh chấp trên, Bắc Kinh đã nhiều lần cảnh báo các nước khác không được can thiệp vào những cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Đáp lại, các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ... khẳng định, họ sẽ bảo vệ sự tự do hàng hải ở Biển Đông -  một khu vực giàu tài nguyên và có nhiều tuyến đường biển chiến lược.


Kiệt Linh - (theo The Hindu, Indian Express)

Ý kiến bạn đọc