Việt Nam có thể là nước đầu tiên mua SU-35 của Nga, một bước tiến đáng khích lệ trên con đường hiện đại hóa quốc phòng.
Năm 2011, khi ký kết hợp đồng mua tăng số lượng máy bay SU-30 của Nga, Việt Nam đã từng cho biết SU-35 của Nga là loại máy bay chiến đấu mà Việt Nam dự tính sẽ mua, lúc đó phía Nga không biểu thị từ chối. Theo nguồn tin từ giới công nghiệp hàng không Nga, gần đây phía Nga đã cung cấp tài liệu giới thiệu SU-35 cho Việt Nam.
Điểm đặc biệt về tính năng của loại máy bay SU-35 là hệ thống điện tử mới dựa trên hệ thống thông tin điều khiển kỹ thuật số tích hợp hệ thống điện tử, hệ thống radar mới có khả năng phát hiện mục tiêu trên không từ xa, tăng khả năng theo dõi đồng thời nhiều mục tiêu một lúc. Máy bay này có thể theo dõi 30 và tấn công 8 mục tiêu trên không; theo dõi 4 và tấn công 2 mục tiêu mặt đất. Động cơ mới với lực đẩy tăng và vector lực đẩy thay đổi linh hoạt.
|
Đáng chú ý, loại chiến đấu cơ này có chức năng phản công trên biển mạnh mẽ. So với thế hệ máy bay Sukhoi hiện đang được sử dụng, dung lượng thùng xăng của SU-35 lớn hơn gần 20%, từ đó có thể tăng diện tích biển có thể khống chế. Ngoài ra, tính cơ động và tốc độ của SU-35 cũng là ưu thế được giới quân sự nhiều nước quan tâm.
SU-35 có khả năng mang các thiết bị tấn công dẫn đường chống radar, chống tàu và tấn công hỗn hợp, các loại bom thông minh cũng như các loại vũ khí thông thường khác. So với thế hệ thứ tư, máy bay này giảm nhiều lần khả năng bị phát hiện bởi rada do được phủ một lớp vỏ hấp thụ radar và giảm số lượng các bộ cảm biến lộ. Máy bay có độ bền 6.000 giờ bay, thời hạn sử dụng là 30 năm. Loại máy bay này sẽ đặt nền tảng cho khả năng khai thác sử dụng các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của các khách hàng tiềm năng.
Trong số các nước đang phát triển, Việt Nam không phải là nước đầu tiên quan tâm đến SU-35. Nhiều nước đã ở giai đoạn cuối của đàm phán. Khối lượng xuất khẩu chủ yếu của SU-35 dự kiến sẽ được chuyển giao trong giai đoạn 2013-2020. Việc cung cấp các máy bay SU-35 được dự định giành cho các nước Đông Nam Á, châu Phi, Trung Đông và Nam Mỹ. Theo đánh giá của trung tâm phân tích TSAMTO, khách hàng tiềm năng của Su-35 có thể là Algeria (12-24 chiếc), Venezuela (24 chiếc), Ai Cập (12-24 chiếc), Libya (12-24 chiếc), Syria (24 chiếc) và một số quốc gia khác.
Trong việc trang bị vũ khí, có những loại mua sẽ kinh tế hơn là mày mò tự sản xuất, có loại lại phải mua giấy phép sản xuất để bảo đảm chủ động trang bị và tính độc lập trong việc xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia. Việc chuyển giao nhiều loại công nghệ quân sự tiên tiến hoặc hợp tác cùng sản suất đang trở thành một xu thế chủ đạo trên thế giới hiện nay.
Suy cho cùng vũ khí hiện đại phải có con người hiện đại mới phát huy được tính năng của vũ khí. Việt Nam đang vững bước trên con đường hiện đại hóa quân sự. Cùng với trang bị, Quân đội nhân dân Việt Nam chú trọng xây dựng con người nắm vững khoa học công nghệ quân sự tiên tiến.
Ý kiến bạn đọc