Trung Quốc bí mật gây sức ép với Triều Tiên

07:37, 17/05/2012
|

(VnMedia) - Trung Quốc đang lặng lẽ và từ từ gây sức ép buộc Triều Tiên phải hủy bỏ kế hoạch tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 3. Đây là thông tin vừa được hai nguồn tin thân cận với Bắc Kinh và Bình Nhưỡng tiết lộ ngày hôm qua (16/5).
 
Hiện tại, chưa rõ phản ứng của Triều Tiên như thế nào trước sức ép của đồng minh lớn Trung Quốc.
 
Nếu Bình Nhưỡng vẫn tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 3 thì Trung Quốc chắc chắn sẽ tung ra đòn trả đũa. Tuy nhiên, một nguồn tin nắm rõ mối quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên nhận định, những biện pháp trả đũa đó sẽ không nặng nề và không gây ảnh hưởng đáng kể gì đến Triều Tiên.
 
Theo tin từ Reuters cho biết hồi cuối tháng 4, Triều Tiên gần như đã hoàn thành mọi công tác chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân mới.
 
"Trung Quốc không vui trước diễn biến trên và kêu gọi Triều Tiên không được tiến hành thêm vụ thử hạt nhân nào ở bãi thử hạt nhân gần Núi Changbai. Trung Quốc quan ngại về sự rò rỉ phóng xạ và tác hại gây ra từ vụ thử hạt nhân đối với môi trường. Bắc Kinh đã từng phàn nàn về ảnh hưởng gây ra từ hai vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên đối với môi trường”, nguồn tin giấu tên trên cho hay.
 
Vụ thử hạt nhân thứ 3 của Triều Tiên nếu xảy ra có thể gây ảnh hưởng lớn đến khu vực đông bắc Trung Quốc.
 
Không rõ liệu chính phủ của Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un có chịu trì hoãn hay hủy bỏ kế hoạch thử hạt nhân trước sức ép của Bắc Kinh hay không. Nước này từ trước đến nay vẫn không chịu áp lực từ bên ngoài. Tuy nhiên, Trung Quốc là đồng minh lớn nhất cũng là nhà tài trợ lớn nhất của Triều Tiên. Vì thế, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Bình Nhưỡng được cho là rất lớn.
 
Các quan chức Trung Quốc đang tranh luận về việc nên đe dọa như thế nào để có thể gây sức ép hiệu quả với Triều Tiên. Tuy nhiên, các nhà phân tích đều có chung nhận định, bất kỳ hành động nào của Bắc Kinh đều cũng sẽ chỉ hạn chế ở các biện pháp kinh tế. Những biện pháp đó chỉ để Bắc Kinh phát đi thông điệp “không hài lòng” với Bình Nhưỡng chứ không gây ảnh hưởng gì đến viện trợ lương thực mà nước này dành cho Triều Tiên.
 
Bắc Kinh có thể làm gì để trừng phạt Bình Nhưỡng?
 
Theo ông Jin Canrong – trưởng khoa Nghiên cứu Quốc tế của trường Đại học Renmin, Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ không “dám” dùng đến những đòn trả đũa mạnh về ngoại giao. Ông Jin được cho là người hiểu rất rõ cách đối xử của Trung Quốc đối với đồng minh láng giềng Triều Tiên.
 
Chuyên gia Jin tin rằng, thay vì dùng biện pháp ngoại giao, Bắc Kinh có thể sử dụng đòn bẩy tài chính để gây áp lực với Bình Nhưỡng. Bắc Kinh cũng có thể ủng hộ một nghị quyết mới của Liên Hợp Quốc nhằm trừng phạt thêm nữa Triều Tiên.
 
Cả hai lần thử hạt nhân năm 2006 và 2009 của Triều Tiên đều bị Trung Quốc lên án. Và trong cả hai lần này, Bắc Kinh đều ủng hộ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.
 
Dù rất muốn ép Triều Tiên hủy bỏ kế hoạch thử hạt nhân lần thứ 3 nhưng Trung Quốc lại không muốn sử dụng đến những biện pháp ngoại giao mạnh như triệu hồi Đại sứ nước này ở Bình Nhưỡng về nước.
 
"Trung Quốc không muốn gây ra những phiền toái không cần thiết ở bên ngoài trước thềm Đại hội đảng lần thứ 18. Một sự thay đổi lớn về chính sách là không thể vào thời điểm này”, nhà phân tích Jin cho hay.
 
Các nguồn tin đều từ chối phỏng đoán xem liệu Trung Quốc có cắt nguồn cung cấp dầu mỏ cho Triều Tiên hay không. Năm 2003, Bắc Kinh từng tạm ngừng cung cấp nhiên liệu cho Bình Nhưỡng sau một vụ thử hạt nhân. Tuy nhiên, lần đó, Bắc Kinh nêu lý do là do có vấn đề về mặt kỹ thuật.
 
Mỹ muốn Trung Quốc gây áp lực nhiều hơn, mạnh hơn đối với Triều Tiên nhưng điều này dường như là không thể.
 
Bắc Kinh từ lâu luôn cố gắng tránh làm Triều Tiên tức giận bởi nước này có một tầm quan trọng đặc biệt với Trung Quốc. Triều Tiên có vai trò là vùng đệm an toàn cho Trung Quốc. Một Triều Tiên bất ổn sẽ gây bất lợi lớn cho Trung Quốc.
 
Trung Quốc cần có môi trường ổn định để phát triển đất nước. Đây là ưu tiên số 1 của giới lãnh đạo nước này. Một khi nền hoà bình mong manh ở Triều Tiên bị phá vỡ thì Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một loạt nguy cơ. Tình hình bất ổn ở Triều Tiên có thể gây ra làn sóng di cư mạnh mẽ từ Triều Tiên đổ vào Trung Quốc, tạo ra gánh nặng lớn cho nền kinh tế nước này. Đáng lo ngại hơn, một Triều Tiên đổ vỡ đồng nghĩa với việc quân đội Mỹ ở sát ngay ngưỡng cửa của Trung Quốc. Đây là viễn cảnh mà Trung Quốc không bao giờ muốn phải đối mặt.


Kiệt Linh - (theo Reuters)

Ý kiến bạn đọc