Tàu Hải quân Ấn Độ rầm rập đến Biển Đông

07:06, 24/05/2012
|

(VnMedia) - Một loạt tàu của Lực lượng Hải quân Ấn Độ đang rầm rập tiến tới Biển Đông – khu vực đang “nổi sóng” vì một cuộc tranh chấp lãnh hải giữa Philippines và Trung Quốc. Với tư cách là một cường quốc Châu Á, Ấn Độ muốn duy trì một vai trò mạnh trong khu vực Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên này.

 

Được biết, 4 tàu của Hải quân Ấn Độ gồm INS Rana, Shakti, Shivalik và Kurmak hiện đang có mặt trên Biển Đông. Theo kế hoạch, 4 con tàu này sẽ đến Thượng Hải trong một chuyến thăm hữu nghị kéo dài một vài tuần. Tuần này, 2 trong 4 con tàu trên – tàu INS Rana và Shakti – đã đến thăm Lực lượng Hải quân Philippines ở Vịnh Subic. Hai con tàu còn lại - Shivalik và Kurmak cũng sẽ có chuyến ghé thăm cảng Hải Phòng của Việt Nam .

 

Sự hiện diện cùng lúc của 4 tàu Hải quân Ấn Độ ở Biển Đông diễn ra trong bối cảnh Manila và Bắc Kinh đang có cuộc đối đầu gay gắt kéo dài hơn một tháng qua vì tranh chấp lãnh hải xung quanh bãi cạn Scarborough.

 

Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông khi đưa ra yêu sách đường lưỡi bò (9 đoạn). Theo đó, cường quốc số 1 Châu Á này đòi chủ quyền đối với hầu hết khu vực Biển Đông. Để thực hiện tham vọng này, Bắc Kinh tìm cách ngăn chặn sự can thiệp của các nước lớn vào những cuộc tranh chấp giữa họ với một loạt nước láng giềng nhỏ bé hơn ở Biển Đông. Tuy nhiên, mong muốn này của Trung Quốc khó mà thực hiện được khi mà cả Mỹ, Nga, Ấn Độ gần đây đều tăng cường sự “dính líu” vào khu vực.

 

Các nguồn tin cho biết, New Delhi sẽ không thể không quan tâm đến các vấn đề liên quan đến Biển Đông bởi nước này có lợi ích lớn trong khu vực. Biển Đông được cho là đóng vai trò then chốt trong chính sách Hướng Đông của Ấn Độ. Trong tháng 7 tới, các quan chức Mỹ và Ấn Độ sẽ tiến hành những cuộc thảo luận về một dự án lớn ở Đông Nam Á. Đó là dự án thiết lập hành lang kết nối Mêkông Đông-Tây. Dự án này là sự hợp tác 3 bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ.

 

Theo dự án trên, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ sẽ thiết lập một hành lang thương mại và giao thông đa tầng trải dài từ Ấn Độ, đi qua Myamar, Thái Lan, Campuchia và Lào trước khi kết thúc ở Việt Nam. Nhật Bản gần đây đã tăng cường cam kết tài trợ vốn cho dự án này.


Kiệt Linh - (theo Times of India)

Ý kiến bạn đọc