(VnMedia) - Trong cuộc gặp với giới chức Mỹ ở thủ đô Washington ngày hôm qua (30/4), lãnh đạo Philippine đã than phiền về tình trạng “nghèo nàn” của lực lượng vũ trang nước này và kêu gọi Mỹ giúp đỡ trong bối cảnh căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh ở Biển Đông đang leo thang.
Philippine cầu cứu Mỹ
Ngoại trưởng Philippine Alberto del Rosario và Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin hôm qua đều đồng loạt lên tiếng đề nghị sự giúp đỡ của Mỹ trong việc củng cố sức mạnh quân sự cho nước này trong cuộc gặp cấp cao với hai người đồng cấp Mỹ Hillary Clinton và Leon Panetta tại thủ đô Washington.
Ngoại trưởng Del Rosario đã than phiền về việc báo chí quốc tế đã miêu tả chính xác như thế nào về tình trạng nghèo nàn của Lực lượng Vũ trang Philippine.
"Những thông tin đó đã gây đau đớn khủng khiếp cho Philippine nhưng đau đớn hơn đó lại là sự thực. Và chúng tôi chỉ có thể tự trách mình về điều đó”, ông Del Rosario đã thành thật bày tỏ khi Ngoại trưởng Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Panetta ngồi lắng nghe ở phía đối diện.
"Chúng tôi có nhiệm vụ phải dựa vào mọi phương tiện có thể, trong đó có đối tác khu vực của chúng tôi là Mỹ, để xây dựng một lực lượng phòng vệ có độ tin cậy ở mức tối thiểu. Còn về mình, chúng tôi cũng sẽ phải tự mình nỗ lực ở mức cao nhất ", nhà ngoại giao hàng đầu Philippine cho biết.
"Việc xây dựng một lực lượng phòng vệ có độ tin cậy tối thiểu có thể được đẩy nhanh chủ yếu qua việc tăng cường các hoạt động chung mà chúng ta tiến hành cùng nhau theo hiệp ước giữa hai nước và qua việc Mỹ xem xét một cách tích cực đề nghị giúp đỡ mà chúng tôi đang tìm kiếm trong thời điểm này”, ông Del Rosario nói thêm.
Mỹ và Philippine – hai nước vừa hoàn thành một cuộc tập trận chung trong tháng 4, có ràng buộc với nhau bởi một hiệp ước phòng thủ chung, theo đó, Mỹ cam kết sẽ giúp đỡ đồng minh yếu hơn nếu nước này bị tấn công.
"Chúng tôi hiện giờ đang tìm kiếm một mức độ giúp đỡ cao hơn từ các đối tác quốc tế của chúng tôi”, Ngoại trưởng Del Rosario cho biết.
Tiếp lời Ngoại trưởng Del Rosario, Bộ trưởng Quốc phòng Gazmin đã dùng cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông giữa Philippine và Trung Quốc để kêu gọi Mỹ tăng cường mối quan hệ liên minh “nhằm duy trì an ninh và tự do hàng hải".
"Chúng ta có thể hợp tác, phối hợp với nhau để xây dựng lực lượng phòng vệ có độ tin cậy tối thiểu, đặc biệt trong việc duy trì an ninh hàng hải", ông Gazmin cho biết.
Philippine hiện đang rơi vào một cuộc đối đầu căng thẳng với nước láng giềng Trung Quốc vì một cuộc tranh chấp lãnh thổ quanh bãi cạn Scaborough ở khu vực Biển Đông giàu tài nguyên. Trong cuộc đối đầu với một nước lớn như Trung Quốc, Manila không có cách nào khác là phải dựa vào Mỹ - cường quốc quân sự số một thế giới và cũng là đồng minh thân thiết của Philippine.
Mỹ sẽ chuyển giao tàu chiến thứ 2 cho Philippine trong năm nay
Đáp lại yêu cầu khẩn thiết trên của hai quan chức hàng đầu Philippine, Mỹ cam kết sẽ giúp nước này củng cố sức mạnh hàng hải nhưng tuyên bố không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông.
Phát biểu tại một cuộc họp báo sau cuộc họp với giới lãnh đạo Philippine, Ngoại trưởng Mỹ State Hillary Clinton chiều qua khẳng định, chính phủ Mỹ phản đối việc dùng vũ lực trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Bà Hillary tuyên bố, Mỹ sẽ không đứng về bất kỳ bên nào trong các cuộc tranh chấp nhưng với tư cách là một cường quốc Châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ có “lợi ích quốc gia trong việc bảo đảm tự do hàng hải, duy trì hòa bình, sự ổn định và tôn trọng luật pháp” ở khu vực Biển Đông.
Ngoại trưởng Hillary nhấn mạnh, Mỹ ủng hộ “tiến trình ngoại giao” trong việc giải quyết các tranh chấp trong khu vực.
Mặc dù tuyên bố không “bênh vực” bên nào trong các tranh chấp ở Biển Đông nhưng bà Hillary cho biết, Mỹ tái khẳng định nghĩa vụ của nước này theo Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ -Philippine.
Mỹ cho biết, nước này sẽ giúp Philippine tăng cường năng lực tuần tra hàng hải và củng cố sức mạnh của Hải quân Philippine. Và sự giúp đỡ đầu tiên của Mỹ sau cam kết này là Mỹ sẽ chuyển giao chiếc tàu chiến thứ hai cho Hải quân Philippine trong năm nay.
Ngoài ra, theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Gazmin, Washington cũng hứa sẽ giúp Manila đưa vụ tranh chấp của nước này với Bắc Kinh ra tòa án quốc tế. Philippine đang nỗ lực tìm cách đưa tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với Trung Quốc ra giải quyết ở tòa án quốc tế nhưng Trung Quốc luôn khẳng định nước này phản đối việc “quốc tế hóa” tranh chấp Biển Đông. Bắc Kinh muốn giải quyết tranh chấp ở Biển Đông với một loạt nước láng giềng trên cơ chế song phương.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc