"Ngáo ộp" F-22 có làm tăng uy thế của Mỹ ở châu Á?

05:56, 03/05/2012
|

(VnMedia) - Hôm 28/4 vừa qua, Mỹ đã triển khai hàng loạt siêu chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ năm tối tân F-22 Raptor tại một căn cứ quân sự đồng minh ở khu vực Tây Nam Á.

 

F-22 Raptor – Chiến đấu cơ của thế kỷ

 

F-22 được mệnh danh là chiến đấu cơ của thế kỷ và là "mãnh cầm" của Không lực Mỳ.

Đây là loại máy bay do Hãng Lockheed Martin của Mỹ sản xuất. Nó luôn đứng trong danh sách những loại chiến đấu cơ tối tân nhất và cũng là loại chiến đấu cơ có giá đắt nhất thế giới, lên tới 130 triệu USD/1 chiếc.

 

F-22 là dòng chiến đấu cơ thế hệ 5 duy nhất trên thế giới đã được đưa vào hoạt động đến thời điểm này. F-22 cũng là thứ vũ khí đáng gờm đối với bất kỳ quốc gia nào muốn đối đầu với Mỹ.

 

Raptor F-22 được chế tạo với mục đích ban đầu là áp đảo Không quân Liên Xô, được trang bị các phương tiện tấn công mặt đất, tác chiến điện tử và trinh sát vô tuyến. Dòng máy bay này sử dụng kỹ thuật tàng hình thế hệ thứ tư.   

 

Lực đẩy tối đa của động cơ có thể cho phép máy bay hoạt động với tốc độ tối đa 1,72 Mach khi bay ở chế độ siêu tốc và không mang vũ khí. Để tránh gây ảnh hưởng tới khả năng tàng hình của máy bay, hệ thống tên lửa không đối không được đặt trong khoang.   Ngoài ra, F-22 còn được trang bị các loại bom tấn công ghép nối trực tiếp và bom bán kính nhỏ.   

 

Ngoài ra, F-22 Raptor còn được trang bị một pháo xoay M61A2 Vulcan 20 mm với cửa lật ở đuôi cánh phải, chỉ sử dụng khi thật cần thiết, khi hết tên lửa vì nó chỉ có 480 viên đạn, đủ bắn trong khoảng 5 giây liên tục.F-22 Raptor đạt chuẩn chưa từng có về khả năng sống sót ngay cả khi phải đối mặt với hàng loạt mối đe dọa lớn, tinh vi từ trên không lẫn dưới đất. Ngoài nhiệm vụ chiến đấu, F-22 còn có khả năng thực hiện xuất sắc một loạt nhiệm vụ gồm thu thập tin tình báo, do thám, trinh sát và tấn công điện tử.

Tuy nhiên, hiện Không lực Mỹ vẫn đang phải vật lộn với lỗi cung cấp oxy trên F-22. Kể từ năm 2008, gần hai chục phi công đã phải trải qua “triệu chứng giống như giảm oxy trong máu” khi đang bay. Vụ việc trở nên tồi tệ tới nỗi Không lực Mỹ đã cho “đắp chiếu” phi đội trong gần 5 tháng vào năm ngoái, với hi vọng có thể sửa chữa được lỗi. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có gì tiến triển.

 
Tuy nhiên bất chấp trục trặc trên, Không lực Mỹ tuyên bố F-22 vẫn sẵn sàng tham chiến trên bất cứ mặt trận nào.

Xem clip F-22:


Chưa thực sự ra chiến trường
 

Dòng chiến đấu cơ được phát triển trong suốt 20 năm này bắt đầu được chuyển giao cho không quân Mỹ từ năm 2004. Sau đó, tới ngày 15/12/2005, không quân Mỹ chính thức tuyên bố F-22 đã sẵn sàng cho các nhiệm vụ tác chiến.

 

Theo kế hoạch ban đầu, không quân Mỹ mua khoảng 381 chiến đấu cơ F-22, nhưng tới tháng 12/2004, con số này được cắt giảm xuống còn 180 đơn vị. Điều này cũng đồng nghĩa với việc dây chuyền sản xuất F-22 bị đóng cửa vào năm 2008. Tuy nhiên, không quân Mỹ đã thành công trong việc nâng số lượng F-22 đặt mua lên 183 đơn vị và kéo dài thời gian hoạt động của dây chuyền lắp ráp dòng chiến đấu cơ thế hệ 5 này tới năm 2012.

 

Tuy được đưa vào hoạt động từ năm 2005, nhưng chưa một chiếc F-22 nào trong phi đội của Không lực Mỹ tham gia chiến trận thực sự như trong chiến trường ở Iraq , Afghanistan hay chiến dịch không kích bầu trời ở Libya hồi năm ngoái.

 

Tuy nhiên Jeff Babione, phó chủ tịch Lockheed Martin, năm ngoái cho biết chương trình F-22 “hoàn toàn” phù hợp để thực hiện các sứ mệnh tinh vi hơn và có thể dùng trong các sứ mệnh tấn công thọc sâu vào các khu vực chiến trận ở các nước như Triều Tiên hay Iran.

Đưa F-22 đến Tây Nam Á - Mỹ muốn đe dọa Iran?

Loạt chiến đấu cơ do hãng Lockheed Martin sản xuất này được triển khai từ căn cứ không quân Al Dhafra ở Các tiểu Vương quốc Ả-Rập thống nhất, chỉ cách
Iran hơn 320 km.


Động thái này diễn ra đúng thời điểm 6 cường quốc, gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức đang chuẩn bị có các cuộc đàm phán mới với Iran về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước CH Hồi giáo.

 

Mặc dù Không lực Mỹ khẳng định sự hiện diện của các chiến đấu cơ tối tân này không phải là động thái đe dọa đối với Tehran, nhưng từ căn cứ không quân Al Dafra thuộc Các tiểu vương quốc Ả-Rập thống nhất, F-22 Raptor chỉ cách biên giới Iran nằm bên bờ kia của Vịnh Ba Tư có vài sải bay và có thể xuất kích tấn công Iran nhanh chóng.

 

Người phát ngôn của Không lực Mỹ - John Dorrian trước đó khẳng định: “Đây là một công tác triển khai rất bình thường đã được lên kế hoach từ trước. Mục đích của nó không gì khác là nhằm tăng cường mối quan hệ quân sự, tăng cường an ninh khu vực, cải thiện các hoạt động bay phối hợp chiến lược, đồng thời tăng cường khả năng phối hợp hoạt động giữa các lực lượng. Hoàn toàn không có một mối đe dọa nào tới phía Iran ”.  

 

Trước đó, F-22 cũng đã từng được triển khai tới UAE cùng với “các đối tác liên minh” thực hiện sứ mệnh huấn luyện năm 2009.


Việt Nguyễn - (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc