(VnMedia) - Nga sẽ triển khai loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới nặng 100 tấn với sức mạnh đủ để xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại của Mỹ vào năm 2022. Đây là thông tin vừa được nhà sản xuất tên lửa của Nga cho biết ngày 8/5.
Quân đội Nga đã đề cập đến khả năng chế tạo loại tên lửa “khủng” nói trên từ năm 2009 nhưng quyết định chính thức về việc phát triển loại tên lửa này nhằm thay thế cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Voyevoda R-36M2 Satan chỉ mới được thông báo hồi cuối năm ngoái.
“Theo các phân tích, phải mất khoảng 10 năm mới có thể sản xuất được tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới mang nhiên liệu lỏng và có khả năng xuyên thủng lá chắn tên lửa Mỹ”, ông Andrei Goryaev, Phó Giám đốc của hãng sản xuất tên lửa Nga NPO Mashinostroyeniya, cho biết.
Tuy nhiên, ông Goryaev cũng nói thêm rằng, rất khó để dự đoán về khung thời gian chính xác cho việc chế tạo loại tên lửa đặc biệt này.
Trước đó, hồi tháng 12 năm ngoái, Chỉ huy Các Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga – Trung tướng Sergei Karakayev từng nhận định, các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang nhiên liệu rắn của Nga hiện nay có thể không đủ sức mạnh để xuyên thủng được hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ đang nỗ lực triển khai ở Châu Âu. Vì thế, Nga cần những tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới nặng 100 tấn để đối phó với các mối đe dọa kiểu này.
Mỹ đang xúc tiến kế hoạch thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa ở Châu Âu với mục đích mà nước này tuyên bố là nhằm để chống lại các cuộc tấn công có thể xảy ra từ những “nước thuộc trục ma quỷ” như Iran, Triều Tiên. Tuy nhiên, Moscow không tin vào tuyên bố này. Moscow từ lâu luôn phản đối kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa của Mỹ ở gần biên giới nước này bởi họ coi đó là một mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh nước Nga.
Theo Trung tướng Karakayev, Iran chẳng có công nghệ cũng như năng lực công nghiệp để sản xuất các tên lửa đạn đạo. Có nhiều nguồn tin về việc Iran thử tên lửa đạn đạo nhưng Nga nghi ngờ khả năng các tên lửa đó có thể tấn công tới tận Châu Âu.
Chính vì lý do trên, Moscow đòi hỏi Washington phải đưa ra một sự bảo đảm có tính ràng buộc về mặt pháp lý khẳng định lá chắn tên lửa của Mỹ ở Châu Âu không nhằm vào Nga. Tuy nhiên, Washington đã phớt lờ đòi hỏi này.
Các quan chức quân sự và dân sự Nga liên tục cảnh báo sẽ triển khai một loạt tên lửa tối tân, trong đó có hệ thống Iskander, ở khu vực phía tây và nam đất nước để đối phó với lá chắn tên lửa Mỹ.
Hiện tại, Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga được cho là đang có trong tay hơn 400 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, trong đó có 171 tên lửa Topol (SS-25), 70 tên lửa Topol-M (SS-27), và 3 tên lửa RS-24 Yars.
Chạy đua vũ trang
Nga và Mỹ từ lâu đã khó chịu với nhau về vấn đề lá chắn tên lửa. Hai nước đã nỗ lực tìm cách nhổ bỏ “cái dằm khó chịu” này thông qua đối thoại. Tuy nhiên, cho đến nay, những cuộc đàm phán giữa Nga với Mỹ và NATO liên quan đến kế hoạch lá chắn tên lửa ở Châu Âu vẫn rơi vào bế tắc.
Mới đây, các quan chức Nga còn đe doạ sẽ tấn công phủ đầu vào các bộ phận của hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và NATO nếu liên minh quân sự này cứ cố tình triển khai kế hoạch bất chấp sự phản đối của Moscow.
Trong khi đó, Mỹ và NATO cũng kiên quyết không chịu lùi bước, tuyên bố sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thiết lập hệ thống lá chắn tên lửa ở Châu Âu như kế hoạch đã đưa ra.
Trong bối cảnh cả Nga và Mỹ đều không chịu nhường bước, các nhà phân tích tin rằng, kế hoạch lá chắn tên lửa này có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang. Và có vẻ nhận định này là không sai khi Nga tuyên bố chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nặng 100 tấn có khả năng xuyên thủng lá chắn tên lửa của Mỹ.
Trước mắt, vấn đề lá chắn tên lửa sẽ tiếp tục là nguyên nhân hàng đầu gây căng thẳng trong mối quan hệ của hai siêu cường hàng đầu thế giới Nga-Mỹ. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama sẽ không thể đưa ra nhượng bộ gì trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử sắp tới. Trong khi đó, ông Vladimir Putin mới lên cầm quyền ở Nga nền cần phải tỏ ra cứng rắn. Điều đó đã được thể hiện thông qua việc tân Tổng thống Putin cam kết bảo vệ các lợi ích của Nga và sẽ thay thế kho vũ khí tên lửa già cỗi của nước này.
Kiệt Linh -
(theo RIA, THX)
Ý kiến bạn đọc