Chính trường Thái lại “sôi sục” vì Thaksin

12:52, 31/05/2012
|

(VnMedia) - Chính trường Thái Lan hôm qua (30/5) lại nóng lên vì một dự luật được cho là sẽ mở đường cho sự trở về của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Chưa hết, những cựu tướng lĩnh, quan chức hàng đầu của ông Thakisin cũng sắp quay trở lại chính trường sau lệnh cấm 5 năm.
 
Đảng của Thủ tướng đương nhiệm Thái Lan Yingluck Shinawatra đang hy vọng, Quốc hội hôm nay (31/5) sẽ thông qua một dự luật hoà giải, tạo điều kiện cho ông Thaksin về nước. Cụ thể, dự luật này được cho là bước đầu tiên tiến tới việc ân xá cho cựu Thủ tướng Thaksin và cho phép ông trở về quê hương mà không gặp bất kỳ cản trở nào. Nữ Thủ tướng Yingluck là em gái ruột của ông Thaksin.
 
Cựu Thủ tướng Thaksin đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự không đổ máu năm 2006, sau khi ông bị cáo buộc lạm dụng quyền lực và không tôn trọng Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej. Đảng của ông Thaksin bị giải tán một năm sau đó. Ông cùng với 111 quan chức khác của đảng bị cấm tham gia chính trường Thái Lan trong vòng 5 năm. Ông Thaksin còn bị kết án vắng mặt 2 năm tù giam vì tội tham nhũng.
 
Viễn cảnh ông Thaksin trở về đang khiến cho phe đối lập chống lại cựu Thủ tướng “sôi lên sùng sục”. Sự việc này có nguy cơ làm “mưng mủ” những “vết thương chính trị” gây ra từ cuộc đấu tranh quyết liệt kéo dài 6 năm trời giữa một bên là những người ủng hộ ông Thaksin (phe áo đỏ) và bên kia là những người chống lại ông (phe áo vàng).
 
Phe áo vàng thuộc Liên minh Nhân dân vì Dân chủ hôm qua đã trở lại các đường phố để tiến hành cuộc biểu tình chống chính phủ. Đây là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất của phe áo vàng trong nhiều tháng trở lại đây. Những người biểu tình phản đối dự luật hoà giải được chính phủ ủng hộ.
 
Dự luật trên cho phép đưa ra lệnh ân xá cho tất cả các đảng phái tham gia vào những vụ bạo lực chính trị và hành vi sai trái trong giai đoạn từ cuối năm 2005 đến giữa năm 2010. Đây là thời kỳ Thái Lan rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng và đẫm máu vì những cuộc biểu tình đường phố của cả phe áo vàng và áo đỏ.

Cuộc biểu tình ngày hôm qua diễn ra hoà bình. Tuy nhiên, tình hình ở trong Quốc hội Thái Lan lại hoàn toàn đối lập. Trong một nỗ lực ngăn cản dự luật hoà giải, một nữ nghị sĩ của Đảng Dân chủ đối lập đã kéo ghế của Chủ tịch Quốc hội ra khỏi bục chủ toạ. Hành động này đã gây ra một cuộc giành giật hỗn loạn giữa các nghị sĩ trong Quốc hội. Cuối cùng, một nhóm cảnh sát đã phải can thiệp vào để lấy lại ghế cho Chủ tịch Quốc hội.
 
Sự trở lại của những chính khách thân cận với Thaksin
 
Ngoài dự luật hoà giải, chính trường Thái Lan còn “nóng bỏng” vì sự trở lại của một loạt chính khách thân Thaksin. Lệnh cấm tham gia chính trường 5 năm của Toà án Hiến pháp Thái Lan dành cho ông Thaksin và 111 cựu quan chức của ông này đã chính thức hết hiệu lực vào nửa đêm ngày hôm qua.
 
Trước đó, năm 2007, Toà án Hiếp pháp Thái Lan đã ra lệnh giải tán Đảng Thai Rak Thai của ông Thaksin đồng thời cấm những quan chức hàng đầu của đảng này tham gia chính trường trong 5 năm. Đây là động thái của phe đối lập Thái Lan nhằm tìm cách “dập tắt” ảnh hưởng của ông Thaksin sau khi ông bị lật đổ năm 2006.
 
Sự trở lại chính trường của những chính khách thân Thaksin được cho là sẽ dẫn đến một cuộc cải tổ nội các lớn trong chính phủ của bà Yingluck. Ông Karn Yuenyong, một chuyên gia về chính trị của Thái Lan, nhận định, sự trở lại của các quan chức cũ có thể đem đến một số kinh nghiệm quý báu cho chính quyền của nữ Thủ tướng trẻ. "Điều đó sẽ giúp chính phủ của bà Yingluck đứng vững trong nhiệm kỳ 4 năm. Hiện tại, một số Bộ trưởng đang hoạt động không thực sự hiệu quả trong thời gian qua", ông Karn cho hay.
 
Cựu Thủ tướng Thaksin đang phải sống lưu vong ở Dubai để trốn tránh án tù. Dù sống xa đất nước nhiều năm, ông vẫn là một nhân vật chính trị gây chia rẽ sâu sắc trên chính trường Thái Lan. Ông là nguồn cơn chính gây nên những cơn sóng gió làm chao đảo chính trường Thái Lan trong suốt 6 năm qua. Tầng lớp nông dân, công nhân nghèo được hưởng lợi từ các chính sách dân tuý của cựu Thủ tướng Thaksin tôn thờ ông này. Trong khi đó, hầu hết giới hoàng gia, trung lưu và quân đội lại căm ghét ông, cáo buộc ông một loạt tội danh gồm tham nhũng, vi phạm nhân quyền và lạm dụng quyền lực.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc