Căng thẳng Biển Đông, Trung Quốc lộ điểm yếu

07:10, 15/05/2012
|

(VnMedia) - Những căng thẳng ở Biển Đông – gần đây nhất là với Philippine, và sự bất an của Bắc Kinh về chiến lược quay trở lại Châu Á của Mỹ đã khiến Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) thấy cần phải củng cố sức mạnh bằng việc bổ sung thêm những chiếc chiến đấu cơ hiện đại. Tuy nhiên, từ đây đã lộ ra điểm yếu của Trung Quốc trong việc sản xuất những chiếc máy bay chiến đấu thiện chiến. 

Nga từ lâu đã là nhà cung cấp động cơ máy bay quân sự nổi tiếng cho những chiếc đấu cơ hùng mạnh của thế giới. Trung Quốc là một trong những khách hàng lớn của Nga. Tuy nhiên, ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc trong thời gian vừa qua đang nỗ lực tìm cách tự sản xuất động cơ máy bay riêng để chấm dứt sự phụ thuộc vào Nga, tạo cho nước này sự linh hoạt chiến lược tối đa và có thể cạnh tranh với máy bay chiến đấu Nga trên các thị trường xuất khẩu.
 
Liệu bao lâu nữa thì nỗ lực tự sản xuất động cơ máy bay chiến đấu nội địa của Trung Quốc có thể “cất cánh” được?
 
Năng lực hạn chế của Trung Quốc trong việc sản xuất hàng loạt động cơ máy bay chiến đấu nội địa có thể hoạt động tốt từ lâu đã là gót chân Asin (Achilles) của ngành công nghiệp hàng không quân sự nước này. Mặc dù các kỹ sư quân sự Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ nhất định trong việc chế tạo động cơ máy bay nhưng những nỗ lực này tiếp tục gặp khó khăn vì những vấn đề về tiêu chuẩn hóa cũng như thiếu các công nhân lành nghề. Ngoài ra, Trung Quốc cũng không có khả năng sản xuất những cánh quạt turbin chất lượng cao.
 
Sự thực, trong một bài báo gần đây được đăng tải trên tờ People’s Daily, các nguồn tin quân sự Nga đã nói rằng, Trung Quốc có thể bắt chước sản xuất hầu hết các bộ phận của động cơ máy bay AL-31 đang được dùng cho máy bay chiến đấu J-10 và J-11 của cường quốc số 1 Châu Á nhưng nước này vẫn phải nhập khẩu cánh quạt turbin từ Nga.
 
Những vấn đề nói trên đã làm chậm lại quá trình phát triển và sản xuất máy bay chiến đấu J-15, J-20 và những máy bay chiến thuật thế hệ mới nhất của Trung Quốc. Và điều này đang thu hút sự quan tâm của giới lãnh đạo cao nhất ở Bắc Kinh.
 
Mặc dù chính quyền của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã quan tâm hơn và tăng cường nguồn lực cho việc nghiên cứu, chế tạo và sản xuất động cơ máy bay chiến đấu nhưng có vẻ như điểm yếu của Trung Quốc trong lĩnh vực này vẫn chưa thể được khắc phục. Nếu giải quyết được những vấn đề tồn tại hiện nay, các nhà sản xuất động cơ máy bay của Trung Quốc có thể đạt được trình độ năng lực kỹ thuật tương đương với năng lực của các nhà sản xuất Mỹ cách đây 20 năm. Và Trung Quốc có thể dùng động cơ này để trang bị cho những chiến đấu cơ và máy bay tấn công thế hệ mới nhất của nước này.
 
Trung Quốc đang khát khao sản xuất được những động cơ máy bay chiến đấu đủ mạnh để phục vụ cho chương trình phát triển máy bay chiến đấu J-20 mới của họ. Đây là loại chiến đấu cơ mới nhất vừa được Trung Quốc tiết lộ hồi đầu năm ngoái. Sở dĩ Trung Quốc đang mong muốn tự đạt được bước đột phá trong sản xuất được động cơ máy bay chiến đấu hơn bao giờ hết vì Nga dường như không muốn bán những động cơ máy bay hiệu quả cho siêu chiến đấu cơ J-20 của Trung Quốc.

Nếu có được những động cơ máy bay đủ mạnh, chiến đấu cơ J-20 của Trung Quốc được cho là có thể sánh với những máy bay chiến đấu tối tấn hàng đầu thế giới như F-22 của Lockheed Martin hay T-50/PAK FA của Sukhoi. Điều này sẽ giúp Trung Quốc củng cố vị thế là một cường quốc không quân đáng sợ trong khu vực.
 
Một trong những lý do mà Nga không mấy mặn mà với việc xuất khẩu động cơ máy bay cho Trung Quốc là vì cường quốc Châu Á này rất giỏi bắt chước công nghệ của nước khác. Trong nhiều hợp đồng xuất khẩu vũ khí, Moscow luôn đòi hỏi Bắc Kinh phải tôn trọng vấn đề bản quyền. Tuy nhiên, cam kết của Trung Quốc vẫn không làm Nga yên tâm.
 
Hiện tại, trong khi chưa thể giải quyết những vấn đề trong việc chế tạo động cơ máy bay chiến đấu nội địa, các phi đội máy bay chiến đấu của Trung Quốc gần như dựa hoàn toàn vào động cơ của Nga.


Kiệt Linh - (theo Nhật báo Phố Wall)

Ý kiến bạn đọc