(VnMedia) - Trong tháng 4, người ta đã chứng kiến một loạt nước Châu Á rầm rộ “khoe” những siêu tên lửa mới với sức hủy diệt khủng khiếp. Những động thái này đã khiến cộng đồng thế giới thực sự lo ngại bởi chúng diễn ra đúng thời điểm khu vực đang “nóng như lửa” vì những tranh chấp Biển Đông và vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
Châu Á hiện đang vượt lên tất cả các châu lục khác để trở thành khu vực nhập khẩu nhiều vũ khí nhất. Theo báo cáo của Viện nghiên cứu hoà bình quốc tế Stockholm (SIPRI) được công bố hồi tháng 3, trong thời gian 5 năm trở lại đây, Châu Á chiếm 44% khối lượng nhập khẩu vũ khí thông thường .Trong khi đó, Châu Âu chỉ chiếm 19%, Trung Đông chiếm 17 % , Châu Mỹ chiếm 11% và Châu Phi chiếm 9%.
Ngoài việc hối hả mua sắm vũ khí, các nước Châu Á còn tích cực triển khai các kế hoạch tự chế tạo, sản xuất những vũ khí mới. Dường như đang có một cuộc chạy đua vũ khí nóng bỏng ở khu vực này.
Đáng chú ý nhất là trong tháng 4 vừa rồi, một loạt nước Châu Á đã trình làng những tên lửa mới của họ với những lời “quảng cáo” về sức mạnh khủng khiếp của các loại vũ khí này.
Triều Tiên “lộ” các tên lửa tầm bắn “khủng”
Báo chí thế giới mới đây được một phen xôn xao trước thông tin Triều Tiên trình làng một loại siêu tên lửa đạn đạo mới có tầm bắn “khủng” ít nhất là 6.000 km trong lễ diễu binh hoành tráng mừng sinh nhật cố Chủ tịch Kim Nhật Thành hôm 15/4.
Các chuyên gia quân sự của Hàn Quốc và Nhật Bản đã phát hiện, trong số vũ khí xuất hiện tại lễ diễu binh nói trên có một tên lửa tầm xa có nhiều đặc điểm khác với những tên lửa mà Bình Nhưỡng từng công bố trước đây. Về hình dáng, tên lửa mới có vẻ giống tên lửa Taepdong-2 nhưng nó to hơn và dài hơn. Về tầm bắn, các chuyên gia quân sự của Hàn Quốc và Nhật Bản tin rằng, với độ lớn và độ dài của tên lửa mới, nó có thể có tầm bắn “khủng” ít nhất là 6.000km.
Tuy nhiên, trên đây mới chỉ là những thông tin phỏng đoán. Các chuyên gia quân sự cho biết, họ cần phải kiểm tra, tìm hiểu thêm trước khi khẳng định chắc chắn rằng đó là một loại tên lửa đạn đạo mới mà Bình Nhưỡng vừa chế tạo thành công.
Trước đó, cũng trong tháng 4, một nguồn tin từ chính phủ Hàn Quốc tiết lộ, Bình Nhưỡng sắp trình làng một loại tên lửa siêu mạnh có thể tấn công đến tận lục địa của Mỹ.
Tên lửa siêu mạnh của Triều Tiên được cho là đã bị các vệ tinh do thám của Hàn Quốc phát hiện. Qua phân tích những bức ảnh tên lửa do vệ tinh do thám chụp lại được, siêu tên lửa có thể bắn đến Mỹ của Triều Tiên dài khoảng 40m và được trang bị những động cơ đẩy giúp nó có tầm bắn lên tới gần 10.000km.
Hàn Quốc triển khai tên lửa mới “bao phủ” Triều Tiên
Hàn Quốc hôm 19/4 cho biết, nước này đã triển khai một quả tên lửa hành trình mới có khả năng tấn công và phá huỷ bất cứ nơi nào trên lãnh thổ của CHDCND Triều Tiên.
Thông tin chi tiết về sức mạnh và tầm bắn của loại tên lửa mới trên không được tiết lộ nhưng hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho rằng nó có thể vươn tới mục tiêu ở cách xa hơn 1.000 km. Seoul cũng không cho biết tên của loại tên lửa hành trình mới với lý do để đảm báo tính bảo mật. Tuy nhiên, nhiều người đoán rằng, đó có thể là tên lửa hành trình đất đối đất Hyunmu-3C với tầm bắn lên tới 1.500km mà Hàn Quốc bắt tay phát triển từ năm 2010. Các phiên bản trước đó như Hyunmu-3A và Hyunmu-3B, với tầm bắn lần lượt là 500 và 1.000 km, đã được đưa vào hoạt động.
Seoul tuyên bố, với tên lửa hành trình mới, họ có khả năng trừng phạt nghiêm khắc và triệt để đối với những hành động khiêu khích liều lĩnh của Triều Tiên.
Ấn Độ thử tên lửa mới có khả năng uy hiếp Trung Quốc
Sau Triều Tiên và Hàn Quốc, Ấn Độ hôm 19/4 đã phóng thử một tên lửa tầm xa có khả năng vươn sâu vào lãnh thổ Trung Quốc và Châu Âu. Với tên lửa có khả năng uy hiếp Trung Quốc này, Ấn Độ đã đưa họ vào câu lạc bộ những cường quốc sở hữu tên lửa hạt nhân xuyên lục địa.
Tên lửa tự chế Agni V của Ấn Độ được xem là một thành tựu nổi trội trong chương trình phát triển tên lửa của nước này. New Delhi đã nỗ lực phát triển chương trình tên lửa này với mục đích chính được cho là để đối phó với mối đe doạ hiện hữu từ nước láng giềng Trung Quốc. Tên lửa Agni V có tầm bắn hơn 5.000km và có thể mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân nặng tới 1.000kg
Trước khi Ấn Độ thử thành công tên lửa Agni V, mới chỉ có 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ và Anh cùng với Israel là được tin đang sở hữu trong tay những tên lửa đạn đạo tầm xa xuyên lục địa.
Nhanh chóng nổi lên là một cường quốc kinh tế thế giới, Ấn Độ đang nóng lòng muốn trở thành một cường quốc quân sự đủ sức đối phó với Trung Quốc – một đối thủ mạnh của nước này trong khu vực.
Pakistan thử tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân
Chưa đầy một tuần sau khi Ấn Độ thử siêu tên lửa có tầm bắn hơn 5.000km, Pakistan hôm 25/4 cũng thực hiện thành công một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung Shaheen-1A có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Tên lửa Shaheen-1A với tầm bắn ước tính từ 2.500km đến 3.000km có thể vươn tới các mục tiêu trên lãnh thổ Ấn Độ.
Shaheen-1A là một phiên bản của Shaheen-1 nhưng được nâng cấp về các khả năng kỹ thuật và tầm xa, và có thể mang đầu hạt thông thường và hạt nhân.
Dù không nói ra nhưng tên lửa Shaheen-1A được cho là một trong những vũ khí để Pakistan đối phó với đối thủ lâu đời Ấn Độ.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc