Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm chính thức Châu Á

07:48, 31/05/2012
|

(VnMedia) - Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta hôm qua (30/5) đã rời Mỹ, bắt đầu chuyến thăm chính thức đến khu vực Châu Á. Sau chặng dừng chân đầu tiên ở Hawaii, ông Panetta sẽ lần lượt đến thăm Singapore, Việt Nam và Ấn Độ.

 

Mục đích chuyến thăm của ông chủ Lầu Năm Góc là để giải thích về chiến lược quay trở lại Châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Đồng thời, Bộ trưởng Panetta còn có nhiệm vụ trấn an các đồng minh của Mỹ trong khu vực. Theo đó, Mỹ sẽ tái khẳng định các cam kết với Châu Á bất chấp sự khó khăn về tài chính mà cường quốc này đang phải đối mặt.

 

Với việc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang “dậy sóng” vì những căng thẳng xung quanh tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông, Bộ trưởng Panetta sẽ bay tới Hawai để gặp gỡ người đứng đầu Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ. Sau đó, ông sẽ đến Singapore để tham dự cuộc Đối thoại Shangri-La hàng năm.

 

Chặng dừng chân tiếp theo của ông chủ Lầu Năm Góc là Việt Nam . Ông Panetta sẽ đến thăm Việt Nam trong vòng 2 ngày (từ 3-5/6). Chuyến thăm này của Bộ trưởng Panetta  nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác quân sự song phương giữa Mỹ với Việt Nam . Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta tới thăm Việt Nam . Chuyến thăm Việt Nam gần đây nhất của một Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là chuyến thăm của ông Robert Gates vào năm 2010. Cuối cùng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ dừng chân ở Ấn Độ - một cường quốc của khu vực Châu Á.

 

Đây là chuyến thăm châu Á đầu tiên của ông Panetta kể từ sau khi Lầu Năm Góc công bố chiến lược quay trở lại Châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ hồi tháng 1 đầu năm nay. Theo một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ, Bộ trưởng Panetta đến Châu Á lần này là để giải thích rõ về việc “làm thế nào Mỹ cân bằng được giữa nguồn lực đang bị thắt chặt với cam kết lâu dài của nước này với khu vực”. Lầu Năm Góc Mỹ hiện đang chịu sức ép lớn về việc phải cắt giảm 487 tỉ USD ngân sách quốc phòng trong vòng 10 năm tới.

 

Tránh đối đầu với Trung Quốc

 

Mặc dù chính quyền Tổng thống Barack Obama liên tục khẳng định, sự thay đổi chính sách nói trên của họ không nhằm vào bất kỳ nước nào, nhưng Trung Quốc không thể gạt bỏ được nỗi lo ngại của họ. Vì vậy, Bộ trưởng Panetta được cho là sẽ phải hết sức thận trọng trong lời nói khi đưa ra những phát biểu trong chuyến công du Châu Á kéo dài 1 tuần này.

 

"Ông ấy sẽ phải thận trọng khi đưa ra bất kỳ phát biểu nào. Việc ông ấy đưa ra thông điệp gì rất quan trọng bởi nó có thể gây ra phản ứng từ phíaTrung Quốc”, ông Jonathan Pollack, một chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc của Viện Brookings nhận định. Trong khi thắt chặt quan hệ với các nước Châu Á, Mỹ không muốn đối đầu trực diện với Trung Quốc vì điều đó không có lợi cho cả hai nước.

 

Từ cuối năm ngoái, Bắc Kinh đã luôn ở trong trạng thái “đứng ngồi không yên” trước những động thái tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là ở những nước láng giềng xung quanh Trung Quốc.

 

Dù mối quan hệ Mỹ - Trung có tầm quan trọng hàng đầu thế giới với khả năng tác động đến toàn cầu nhưng mối quan hệ này lại không thể phát triển được như mong muốn. Lý do là giữa Mỹ và Trung Quốc luôn tồn tại một sự nghi kỵ, thiếu tin tưởng lẫn nhau. Trước một Trung Quốc ngày càng lớn mạnh và có nhiều động thái thể hiện sức mạnh mới của họ, Mỹ tỏ ra đề phòng. Trong khi đó, Bắc Kinh luôn tin rằng, Washington muốn kiềm chế, không cho họ phát triển.

 

Bắc Kinh có lý do để lo ngại rằng, Mỹ đang tìm cách bao vây họ. Bắt đầu từ cuối năm ngoái, giới lãnh đạo ở Washington đã tích cực thực hiện những hoạt động ngoại giao và quân sự sôi động ở Châu Á - Thái Bình Dương. Washington đã không ngần ngại công khai ý định quay trở lại tìm kiếm vị trí bá chủ Châu Á – một khu vực mà Bắc Kinh coi là “sân sau” của họ. Điều đáng chú ý là Mỹ đang tăng cường, thắt chặt mối quan hệ mọi mặt, đặc biệt là quân sự với một loạt nước trong khu vực.

 

Mỹ củng cố quan hệ quân sự với Australia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc.... và đang dần hàn gắn quan hệ với cả Myamar. Người ta dễ hình dung, Mỹ đang tạo một vòng tròn bủa vây Trung Quốc.

 


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc