(VnMedia) - Hải quân Mỹ hôm qua (9/5) tuyên bố, họ sẽ triển khai chiếc tàu chiến đầu tiên trong lớp tàu chiến mới toanh của nước này đến Singapore vào mùa xuân tới trong thời gian 10 tháng. Chính phủ Singapore đã nhất trí cho phép Mỹ triển khai tới 4 chiếc tàu chiến tuần duyên (LCS) ở các cơ sở hải quân nước này
Chuẩn Đô đốc Thomas Rowden, Giám đốc phụ trách chiến tranh trên mặt nước của Hải quân Mỹ, cho các phóng viên biết, con tàu mới mang tên “Tự do” sẽ được đưa vào trực chiến ở Singapore nhằm củng cố sức mạnh chiến đấu của lực lương Mỹ tại đây.
"Chúng tôi sẽ triển khai tàu chiến Tự do trong thời hạn khoảng 10 tháng vào mùa xuân năm tới ở Singapore. Trong lúc này, chúng tôi đang chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để tàu chiến mới có thể thực hiện thành công nhiệm vụ của mình”, ông Rowden cho biết thêm.
Tàu chiến tuần duyên Tự do là một loại tàu chiến hoàn toàn mới vừa ra đời của Mỹ. Với tốc độ hơn 74km/giờ, tàu Tự do được thiết kế cho các nhiệm chống tàu ngầm, chống tàu nổi và hoạt động theo phương thức “kết nối và chiến đấu”.
Singapore là nước nằm ở vị trí chiến lược dọc Eo biển Malacca. Đây là tuyến đường chính nối liền giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Có khoảng 40% giao dịch thương mại của thế giới đi qua con đường biển chiến lược quan trọng này.
Chính phủ Singapore đã nhất trí cho phép Mỹ triển khai tới 4 chiếc tàu chiến tuần duyên (LCS) ở các cơ sở hải quân nước này trên cơ sở luân phiên. Việc Mỹ đưa tàu chiến đến Singapore cho thấy “cam kết của Washington đối với khu vực và hoạt động này sẽ giúp củng cố khả năng đào tạo cũng như tham chiến với các đối tác khu vực”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã nói như vậy với người đồng cấp Singapore Ng Eng Hem sau cuộc họp giữa hai vị quan chức này ở Lầu Năm Góc hồi tháng trước.
Hoạt động triển khai tàu chiến đến Singapore là một trong những bước đi nằm trong khuôn khổ chính sách quay trở lại Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Hồi năm ngoái, Tổng thống Barack Obama từng tuyên bố, Mỹ là một cường quốc Châu Á-Thái Bình Dương và từ giờ trở đi, Washington sẽ hướng sự tập trung trở lại khu vực quan trọng này sau một thập kỷ bị sa lầy trong hai cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan.
Trong cái gọi là chiến lược quay trở lại Châu Á-Thái Bình Dương, ngoài việc triển khai tàu chiến đến Singapore, Mỹ còn đưa thủy quân lục chiến đến đóng tại Australia và tăng cường hợp tác quân sự với Philippine.
Tất cả những động thái trên của Mỹ đều khiến Bắc Kinh lo lắng, đứng ngồi không yên. Sự lo lắng này càng tăng lên khi Trung Quốc đang có cuộc đối đầu quyết liệt với Philippine vì tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông. Trung Quốc lo ngại, Mỹ sớm muộn sẽ can thiệp vào tình hình Biển Đông và tất nhiên điều này hoàn toàn không có lợi cho họ.
Trung Quốc hiện tại đang có tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông với một loạt nước trong khu vực gồm Philippine, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Bắc Kinh gần đây liên tục cảnh báo các nước trong khu vực không được quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông. Trung Quốc muốn được giải quyết các cuộc tranh chấp này trên cơ sở song phương.
Mặc dù Washington tuyên bố không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông nhưng các động thái của nước này lại không có vẻ như vậy. Trong cuộc đối đầu mới nhất giữ Philippine và Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough hiện nay, Mỹ đã cam kết sẽ giúp đồng minh Manila củng cố sức mạnh hải quân. Cụ thể, Mỹ đã tăng viện trợ quân sự cho Philippine trong năm nay lên gần gấp 3 lần so với năm ngoái đồng thời nhanh chóng chuyển giao cho Philippine chiếc tàu chiến thứ hai vào cuối tháng này.
Ngoài ra, hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Philippine còn tiết lộ, giới lãnh đạo Mỹ đã hứa bảo vệ Philippine khỏi các cuộc tấn công ở Biển Đông.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc