(VnMedia) - Philippine hôm qua (28/4) cáo buộc Bắc Kinh đã dùng chiến thuật “dọa dẫm” với nước này sau khi một tàu cao tốc của Trung Quốc bất ngờ tiếp cận một cách nguy hiểm với hai tàu của Philippine ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông.
Trong vụ đụng độ ngày hôm qua, tàu Trung Quốc đã tăng tốc vượt qua hai tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippine ở tốc độ 37km/giờ, tạo ra những cơn sóng lớn làm rung lắc mạnh tàu thuyền của Philippine.
Vụ “va chạm” mới nhất giữa tàu thuyền Philippine và Trung Quốc nói trên xảy ra ở bãi cạn Scarborough – nơi chứng kiến cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai nước này trong nhiều tuần qua. Cả Manila và Bắc Kinh đều đòi chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough ở Biển Đông.
Không có ai bị thương nhưng “những hành động kiểu đó của tàu Trung Quốc đã gây nguy hiểm cho tàu thuyền Philippine”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippine – ông Raul Hernandez đã cho biết như vậy trong một tuyên bố.
"Tàu thuyền của chúng tôi đã không phản ứng lại hành động dọa dẫm đó”, ông Hernadez cho biết thêm.
Vụ tàu Trung Quốc dọa dẫm tàu Philippine là vụ việc nghiêm trọng nhất kể từ sau khi xảy ra cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai nước xung quanh bãi cạn Scarborough được khơi mào từ cách đây 3 tuần. Vào ngày 8/4, một máy bay do thám của Hải quân Philippine phát hiện 8 tàu đánh cá của Trung Quốc lượn lờ đánh bắt cá ở khu vực bãi cạn Scarborough. Vụ việc này đã dẫn đến một cuộc va chạm giữa tàu chiến lớn nhất của Philippine thuộc lớp Hamilton và hai tàu hải giám của Trung Quốc. Tiếp theo vụ va chạm này là một loạt những diễn biến căng thẳng sau đó và kéo dài đến nay vẫn chưa chấm dứt.
Trong cuộc đối đầu hiện nay ở bãi cạn Scarborough, Bắc Kinh liên tục cảnh báo Manila không được “quốc tế hóa” tranh chấp ở Biển Đông. Trung Quốc tin rằng, Philippine đang tìm cách lôi kéo Mỹ can thiệp vào các cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước. Điều này khiến Bắc Kinh rất bực tức và khó chịu.
Trong một diễn biến khác có liên quan, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Philippine Jose Layug cho biết, nước này đang có kế hoạch tiến hành thêm nhiều cuộc thăm dò dầu mỏ và khí đốt ở vùng tranh chấp bất chấp sự “hiếu chiến ngày càng tăng” của Trung Quốc gần đây.
"Trung Quốc đang đòi chủ quyền ở những vùng này nhưng chúng tôi đã liên tục khẳng định đó là những vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của chúng tôi", ông Layug nhấn mạnh.
Các chuyên gia lo ngại, những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông có thể sẽ là những điểm nóng gây nguy hiểm cho an ninh khu vực.
Kiệt Linh -
(theo AFP)
Ý kiến bạn đọc