Sức mạnh tên lửa Triều Tiên khủng khiếp đến đâu?

06:11, 05/04/2012
|

(VnMedia) - Triều Tiên được cho là đang nắm trong tay một kho vũ khí tên lửa có sức mạnh khủng khiếp, đủ để khiến các cường quốc thế giới phải dè chừng mỗi khi tính đến bất kỳ động thái nào liên quan đến nước này.
 
Với chính sách ưu tiên hàng đầu cho quân sự, Triều Tiên trong những năm qua đã xây dựng được cho mình một quân đội hùng hậu với nhiều loại vũ khí tối tân, trong đó đáng chú ý là kho tên lửa đa dạng nhiều loại và thiện chiến.
 
Kho tên lửa của Triều Tiên hiện có tới 1.000 tên lửa các loại với tầm bắn từ hàng trăm km đến hàng nghìn km và đều có thể mang đầu đạn hạt nhân. Đặc biệt, gần đây, thế giới đang phát sốt trước tin Bình Nhưỡng sắp sửa cho trình làng một loại siêu tên lửa có tầm bắn lên tới 10.000km có thể vươn tới lục địa Mỹ. Trước đó, Triều Tiên đã sở hữu loại tên lửa có tầm bắn ít nhất là 6.000km, có thể phá huỷ các mục tiêu ở bang Alaska của Mỹ.
 
Muốn đánh giá chính xác sức mạnh quân sự của Triều Tiên không thể không tìm hiểu kho vũ khí tên lửa hiện đại của nước này. Vậy thực sự Triều Tiên đang có những loại tên lửa gì và sức mạnh của chúng khủng khiếp tới đâu?
 
Tên lửa Scud – cơn ác mộng của Hàn Quốc
 
Triều Tiên bắt đầu bắt tay vào phát triển tên lửa từ những năm 60, 70. Mặc dù Bình Nhưỡng được cho là có trong tay tên lửa tầm ngắn đầu tiên từ Liên Xô hồi đầu năm 1969 nhưng chương trình tên lửa của nước này lại chủ yếu được phát triển từ tên lửa Scud do Ai Cập cung cấp.
 
Năm 1976, Ai Cập đã cung cấp cho Triều Tiên những tên lửa Scud-B của Liên Xô, có thể mang đầu đạn nặng tới 200kg và có tầm bắn 300 km, kèm theo thiết kế của loại tên lửa này để đổi lấy sự ủng hộ của Triều Tiên trong cuộc chiến tranh mang tên Yom Kippur giữa Ai Cập và Israel.
 

 Ảnh minh họa

Từ tên lửa do Ai Cập cung cấp, các chuyên gia quân sự của Triều Tiên đã nâng cấp thành hai phiên bản mới Scud-C (Hwasong-5) và Scud-D (Hwasong-6) với tầm bắn lần lượt là 500 và 700km. Với hai loại tên lửa này, Triều Tiên có thể tấn công vào bất kỳ khu vực nào trên lãnh thổ Hàn Quốc. Vì vậy, tên lửa Scud trở thành cơn ác mộng đối với nước láng giềng sát nách của Triều Tiên.
 
Triều Tiên đã từng bán hàng chục tên lửa Scud cho Iran và Các Tiểu Vương quốc Arập thống nhất.
 
Tên lửa Nodong – mối đe doạ đối với Nhật Bản
 
Cũng từ tên lửa Scud, các nhà khoa học của Triều Tiên còn phát triển thêm nhiều lại tên lửa khác, trong đó có tên lửa tầm trung Nodong.
 
Tên lửa Nodong có tầm bắn ấn tượng lên tới 1.300km và có thể mang theo một đầu đạn hạt nhân nặng từ 1.000 đến 1.200kg.
 
Với tầm bắn như trên, tên lửa Nodong trở thành mối đe dọa thực sự đối với Nhật Bản vì nó có thể phá hủy bất cứ mục tiêu nào của Nhật Bản cũng như bất cứ căn cứ quân sự nào của Mỹ trên lãnh thổ Nhật.
 
 Ảnh minh họa

Nhiều chuyên gia quân sự tin rằng, Triều Tiên phát triển tên lửa Nodong là để nhằm vào Nhật Bản.
 
Tuy nhiên, dù có tầm bắn khá ấn tượng và có thể mang được đầu đạn hạt nhân nhưng độ chính xác của tên lửa Nodong được cho là thấp, có thể dẫn đến tình trạng thương vong cao cho dân thường trong các cuộc tấn công.
 
Tên lửa Taepodong-1 – nỗi ám ảnh của Mỹ
 
Sau Scud và Nodong, Bình Nhưỡng đã tiến tới phát triển tên lửa tầm xa. Vào tháng 8/1998, Triều Tiên đã khiến cả thế giới phải sửng sốt khi lần đầu tiên phóng thử tên lửa Taepodong-1. Đây chính là thế hệ tên lửa tầm xa đầu tiên của Triều Tiên. Loại tên lửa này đã khẳng định sự phát triển vượt bậc của Bình Nhưỡng trong công nghệ phát triển tên lửa.
 
Taepodong-1 nặng khoảng 33 tấn, đường kính 1,8m và dài 25,8m. Với tầm bắn từ 2.200km đến 2.500km, Taepodong-1 có thể vươn tới các căn cứ quân sự của Mỹ ở Okinawa. Triều Tiên hiện có hàng chục tên lửa Taepodong-1 và đều đang được triển khai để sẵn sàng chiến đấu.
 
 Ảnh minh họa

Tuy có tầm bắn xa hàng nghìn km, tên lửa Taepodong được đánh giá là có độ chính xác thấp hơn cả tên lửa Nodong. Hơn nữa, tên lửa Taepodong-1 đòi hỏi phải được phóng đi từ một vị trí cố định và cần có một thời gian chuẩn bị lâu dài. Điều này đồng nghĩa với việc các vụ phóng tên lửa Taepodong-1 rất dễ bị vệ tinh do thám của đối phương phát hiện trước.
 
Mặc dù vậy, Taepodong vẫn cứ là nỗi ám ảnh đối với Mỹ và cả Hàn Quốc, Nhật Bản.
 
Taepodong-2 – tên lửa đáng sợ nhất
 
Trong kho vũ khí tên lửa của Bình Nhưỡng hiện tại, tên lửa Taepodong-2 được xem là loại tên lửa đáng sợ nhất. Là tên lửa đạn đạo hiện đại nhất của Triều Tiên cho tới thời điểm này, Taepodong-2 nặng gần 80 tấn, chiều dài khoảng 35,8m, đường kính từ 2,0 - 2,2m. Taepodong-2 có thể mang đầu đạn thông thường, hạt nhân nặng tới 500kg với tầm bắn lên tới 6.700km,
 
Với tầm bắn như trên, Taepodong-2 có thể đe dọa Anh, Australia và các khu vực miền Trung, miền Tây nước Mỹ.
 
 Ảnh minh họa

Mặc dù được thiết kế để khắc phục những khiếm khuyết của người anh em Taepodong-1 nhưng Taepodong-2 vẫn đòi hỏi phải được bắn đi từ một vị trí cố định và độ chính xác của tên lửa này cũng bị các chuyên gia quân sự hoài nghi. Một điểm yếu nữa của Taepodong-2 là chỉ có thể mang một lượng chất nổ nhỏ khi bắn tới tầm xa nhất.

Bất chấp những điểm yếu nói trên, Taepodong-2 vẫn là nỗi ám ảnh không chỉ của Mỹ mà cả một số nước Châu Âu.
 
Siêu tên lửa bí ẩn của Triều Tiên – nỗi khiếp sợ của nước Mỹ
 
Cách đây không lâu, giới tình báo Mỹ từng khiến các quan chức cũng như người dân nước này được một phen hoảng sợ khi tung ra thông tin Triều Tiên đã phát triển được loại siêu tên lửa có tầm bắn lên tới 10.000km và thậm chí là 15.000km.
 
Không chỉ Mỹ có được thông tin trên mà cả Hàn Quốc cũng biết đến loại tên lửa mới cực mạnh của Triều Tiên. Theo nguồn tin từ chính phủ Hàn Quốc cho biết hôm 3/4 vừa rồi, vệ tinh của nước này đã phát hiện và chụp lại được hình ảnh một tên lửa dài khoảng 40m, tức là dài hơn tên lửa Taepodong-2. Thông tin này khiến Seoul tin rằng, Triều Tiên sắp trình làng một loại tên lửa mới và đó có thể là siêu tên lửa mà giới tình báo Mỹ đã nhắc đến trước đó.
 
Với siêu tên lửa bí ẩn có tầm bắn “khủng” như nói ở trên, lục địa Mỹ và nhiều nước Châu Âu hoàn toàn nằm trong tầm tấn công của Triều Tiên. Điều đáng nói là tên lửa mới có ưu điểm hơn hẳn tên lửa Taepodong-2 hiện đại nhất của Triều Tiên hiện nay. Đó là nó sẽ được phóng đi từ bệ phóng di động. Đặc tính này giúp tên lửa của Triều Tiên dễ dàng lẩn tránh sự dò tìm, phát hiện của các hệ thống radar.
 
Bình Nhưỡng được cho là đã phát triển loại tên lửa nói trên để nhằm vào Mỹ và phương Tây.
 
Giới quan chức Mỹ thực sự lo ngại trước thông tin về siêu tên lửa của Triều Tiên. Đây có thể là lý do khiến Mỹ gần đây đang thúc đẩy kế hoạch xây dựng một lá chắn tên lửa ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương giống như hệ thống mà nước này đang xúc tiến dựng lên ở Châu Âu.
 
Có thể nhiều nước vẫn còn hoài nghi về khả năng tên lửa của Triều Tiên. Tuy nhiên, với đội ngũ khoảng 10.000 chuyên gia về lĩnh vực tên lửa, nhiều hơn gấp 3 lần so với Hàn Quốc, và sự đầu tư mạnh vào quân sự, Triều Tiên hoàn toàn có thể phát triển được những loại tên lửa đáng sợ, đủ sức đe dọa các nước lớn.


Hải Yến

Ý kiến bạn đọc