(VnMedia) - Tổng thống Philippine Benigno S. Aquino III hôm qua (24/4) đã lên tiếng cảnh báo các nước láng giềng ở Đông Nam Á rằng, họ nên lo ngại về cái mà ông này miêu tả là “sự hiếu chiến ngày càng tăng” của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ với các nước ở khu vực Biển Đông.
Tổng thống Aquino nhấn mạnh, Trung Quốc đang đòi chủ quyền đối với cả một khu vực rộng lớn và đang tiến “ngày một sát hơn” đến quần đảo Philippine.
“Thực tế, Bắc Kinh muốn khẳng định chủ quyền trên toàn bộ Biển Đông. Hãy nhìn xem những thứ mà họ loại trừ và những thứ mà họ đòi chủ quyền. Vậy làm sao mà các nước khác không thể không cảm thấy lo ngại trước những ý đồ mà Bắc Kinh đang dần để lộ ra”, ông Aquino vừa nói với các phóng viên vừa chỉ lên bản đồ khu vực.
Những phát biểu mạnh mẽ trên được Tổng thống Aquino đưa ra chỉ ngay sau khi chính phủ Philippine tuyên bố đưa vụ tranh chấp lãnh thổ căng thẳng giữa họ với Trung Quốc ở Biển Đông ra bàn bạc tại một cuộc họp song phương cấp cao với Mỹ trong tuần tới.
Manila và Bắc Kinh đang bị mắc kẹt trong một cuộc đối đầu nảy lửa vì tranh chấp chủ quyền xung quanh bãi cạn Scarborough, một nhóm đảo ở Biển Đông. Cuộc đối đầu này được châm ngòi bởi sự kiện hôm 8/4 khi tàu hải giám Trung Quốc tìm cách ngăn không cho tàu Philippine bắt giữ các ngư dân của họ.
Tổng thống Aquino đã một lần nữa khẳng định bãi cạn Scarborough thuộc vùng đặc quyền kinh tế được quốc tế công nhận của Philippine. Ông Aquino đã tỏ ra hoài nghi về những căn cứ và chứng cứ lịch sử của Trung Quốc khi đòi chủ quyền ở bãi cạn nói trên.
“Có vẻ như chủ quyền của họ đang tiến ngày càng sát hơn” đến bờ, Tổng thống Philippine cho biết.
Theo bản đồ hàng hải của Philippine cho thấy, bãi cạn Scarborough cách đảo Luzon chính của nước này chỉ khoảng 230km trong khi khu vực đất liền gần nhất của Trung Quốc là tỉnh Hải Nam cũng cách bãi cạn Scarborough đến 1.200km.
Tiếp lời Tổng thống Aquino, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippine – ông Raul Hernandez cho rằng, việc Trung Quốc đòi chủ quyền trên một vùng lãnh thổ rộng lớn ở Biển Đông rốt cục sẽ đe dọa sự tự do hàng hải trong khu vực. Vì vậy, ông Hernandez kêu gọi các nước phương Tây và Châu Á hãy thể hiện lập trường chung chống lại bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào như thế.
Theo phát ngôn viên Hernandez, những hành động gây hấn của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough gần đây như ra lệnh cho tàu thuyền Philippine rời khu vực và để một máy bay của nước này áp sát một trong những con tàu của Philippine, cho thấy những việc mà Trung Quốc có thể làm đối với phần còn lại của Biển Đông.
Trung Quốc phản pháo
Ngay sau những phát biểu trên của Tổng thống và các quan chức ngoại giao Philippine, Bắc Kinh đã nhanh chóng lên tiếng phản pháo. Bắc Kinh đã chỉ trích nỗ lực của Manila trong việc cố tình mở rộng tranh chấp quanh bãi cạn Scarborough ra toàn bộ khu vực Biển Đông đồng thời bác bỏ những cáo buộc của Manila về vấn đề tự do hàng hải.
Bãi cạn Scarboroug (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham - Huangyan) là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc từ thời xa xưa và việc Philippine đòi chủ quyền trên đảo này là không có cơ sở, làm phức tạp thêm tình hình, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Liu Weimin cho biết.
Phát biểu trên là lời đáp trả của phía Trung Quốc đối với cáo buộc của Ngoại trưởng Philippine Albert del Rosario về việc Trung Quốc “đang đòi chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông”.
"Mở rộng tranh chấp quanh đảo Hoàng Nham ra toàn bộ khu vực Biển Đông sẽ chẳng có ích gì”, ông Liu đã nói như vậy tại một cuộc họp báo định kỳ hàng ngày.
Về những cáo buộc cho rằng Trung Quốc đang phá hoại tự do hàng hải và tự do thương mại ở Biển Đông, Bắc Kinh đã đáp trả rằng, tự do hàng hải ở Biển Đông “chưa bao giờ là vấn đề” và việc Trung Quốc thực thi, bảo vệ quyền chủ quyền đối với đảo Hoàng Nham “chưa bao giờ ảnh hưởng và sẽ không ảnh hưởng gì” đến tự do hàng hải trong khu vực.
Ngược lại, việc Manila gần đây đưa tàu chiến đến đảo Hoàng Nham và cử các binh sĩ đến kiểm tra tàu thuyền đánh cá của Trung Quốc ở khu vực đã châm ngòi cho những căng thẳng ở đây, phát ngôn viên của Trung Quốc nói thêm.
Theo lời ông Liu, "các động thái của Manila không tránh khỏi việc làm gia tăng quan ngại về vấn đề an ninh trên những vùng lãnh hải liên quan".
Sóng gió bắt đầu nổi lên ở Biển Đông khi hôm 8/4 vừa rồi, một máy bay do thám của Hải quân Philippine phát hiện 8 tàu đánh cá của Trung Quốc lượn lờ đánh bắt cá ở khu vực bãi cạn Scarborough. Vụ việc này đã dẫn đến một cuộc va chạm giữa tàu chiến lớn nhất của Philippine thuộc lớp Hamilton và hai tàu hải giám của Trung Quốc. Tiếp theo vụ va chạm này là một loạt những diễn biến căng thẳng sau đó và kéo dài đến nay vẫn chưa chấm dứt.
Kiệt Linh -
(theo AFP, AP, mb.com)
Ý kiến bạn đọc