NATO lặng thinh trước hậu quả của chiến dịch quân sự ở Libya

06:00, 11/04/2012
|

(VnMedia) - NATO vẫn chưa đưa ra một lời giải thích đầy đủ về hậu quả gây ra từ chiến dịch can thiệp quân sự của liên minh này vào đất nước Libya hồi năm ngoái, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm qua (10/4) cho biết.
 
Chiến dịch can thiệp quân sự của NATO vào Libya bắt đầu từ hôm 19/3/ 2011, hai ngày sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua một nghị quyết cho phép các nước dùng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ dân thường ở đất nước Bắc Phi khỏi các cuộc đụng độ ác liệt giữa lực lượng trung thành với Nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi và phe nổi dậy muốn lật đổ ông này.
 
“Đến giờ, các đối tác NATO của chúng tôi vẫn chưa đưa ra một lời giải thích đầy đủ về những hành động của họ ở Libya và hậu quả của cuộc khủng hoảng ở đất nước này đối với các nước Bắc Phi khác”, Ngoại trưởng Lavrov cho biết.
 
Cũng theo ông Lavrov, liên minh do Mỹ dẫn đầu đến nay vẫn tìm cách tránh né một cuộc thảo luận công bằng về “hội chứng hậu khủng hoảng Libya”.
 
Trong thời gian diễn ra cuộc nội chiến đẫm máu ở Libya, Nga liên tục chỉ trích liên minh quân sự NATO về việc đã vượt quá thẩm quyền cho phép của Liên Hợp Quốc ở đất nước Bắc Phi khi công khai đứng ra ủng hộ phe nổi dậy trong cuộc chiến đấu chống lại lực lượng trung thành với Đại tá Muammar Gaddafi.
 
Với sự can thiệp của lực lượng quân sự hùng mạnh của NATO, phe nổi dậy Libya đã lật đổ được chính quyền của Tổng thống Gaddafi vào tháng 8 năm ngoái. Hai tháng sau đó, vào tháng 10, Nhà lãnh đạo Libya uy quyền một thời Gaddafi đã phải hứng chịu một cái chết thảm khốc ở quê hương Sirte sau khi bị rơi vào tay phe nổi dậy. Kể từ khi chính quyền mới được thành lập ở Libya, tình trạng bất ổn ở đất nước này vẫn chưa chấm dứt. Phe nổi dậy bị cáo buộc có nhiều hành động vi phạm nhân quyền.
 
Moscow tin rằng, NATO đã lợi dụng nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để lật đổ chính quyền của ông Gaddafi và xây dựng một chính quyền mới có lợi cho những nước này. Moscow cùng với Bắc Kinh cũng cho rằng, họ đã “mắc bẫy” NATO khi bỏ phiếu thông qua nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn để Libya – nghị quyết đã mở đường cho NATO tiến đánh Libya.  
 
Rút ra được bài học từ vấn đề Libya, Nga và Trung Quốc kiên quyết phản đối các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề Syria. Theo Moscow giải thích, sở dĩ họ phủ quyết liên tiếp hai nghị quyết của Hội đồng Bảo an về vấn đề Syria là do những nghị quyết đó phiến diện, một chiều, chỉ lên án chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad mà bỏ qua phe nổi dậy.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc