Mỹ chế tạo siêu chiến hạm tàng hình

16:26, 14/04/2012
|

Mỹ đang triển khai chế tạo một chiếc tàu chiến khổng lồ, đắt tiền và được trang bị đầy đủ những công nghệ tối tân nhất tại nhà máy đóng tàu thuộc thành phố Bath, bang Maine (Mỹ).
 


Ảnh minh họa

Mỹ chế tạo siêu chiến hạm tàng hình tối tân

Dự án chiến hạm lớn chưa từng có này đã từng bị một số tư lệnh Hải quân Mỹ bác bỏ do quá đắt đỏ nay lại được xem là một cấu phần quan trọng của sự đổi hướng chiến lược của chính quyền Obama trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 
 
 
Công nghệ tối tân nhất 
 
Theo giới chức Mỹ, siêu chiến hạm mang tên Zumwalt là loại tàu chiến lớn nhất mà Hải quân Mỹ đã từng đóng. Trên đó sử dụng công nghệ tàng hình, có trang bị tên lửa tối tân và súng phóng hỏa tiễn, boong tàu làm bằng vật liệu tổng hợp, động cơ sử dụng điện năng, hệ thống radar âm thanh nhạy bén. Trong tương lai, siêu chiến hạm sẽ được trang bị thêm súng điện từ, một vũ khí tấn công mạnh mẽ sử dụng từ trường và dòng điện và có tốc độ bắn nhanh gấp vài lần tốc độ âm thanh. 
 
“Con tàu khổng lồ” có kích thước dài hơn và nặng hơn bất cứ tàu chiến nào hiện nay nhưng lại chỉ cần sử dụng một nửa số thủy thủ thông thường do có các hệ thống tự động thông minh.  
 
Đô đốc Jonathan Greenert, người đứng đầu các chiến dịch hải quân Hoa Kỳ, nhận xét sau khi ông đến thăm nhà máy đóng tàu ở Bath hôm 4/4: “Với độ êm khó tin, khả năng tàng hình hoàn hảo, hệ thống phát hiện tàu ngầm hiệu quả đến kinh ngạc, khả năng tấn công trong khi chỉ cần ít người điều khiển – đây là tương lai của chúng tôi”.  
 
Chiến hạm đắt nhất 

Đi kèm với khả năng siêu việt đó, chiến hạm dài hơn 180 mét này có một giá thành vô cùng “khủng”.  Winslow Wheeler, giám đốc Dự án Straus về cải cách quân đội tại Trung tâm thông tin quốc phòng ở Washington cho hay theo dự toán ngân sách mới nhất của Hải quân Mỹ, ước tính chi phí chế tạo chiến hạm khổng lồ vào khoảng 3,8 tỉ USD. Nếu gộp luôn các chi phí nghiên cứu và phát triển thì con tàu khổng lồ này có giá thành lên tới 7 tỉ USD. 

Để lắp ráp các bộ phận của chiến hạm khổng lồ này, xưởng đóng tàu do công ty General Dynamics sở hữu này phải bỏ ra đến 40 triệu USD để xây dựng một nhà máy lắp ráp cao đến hơn 30 mét. 
 
Do chi phí quá đắt đỏ mà mục tiêu ban đầu là đóng 32 chiến hạm như dạng này được giảm xuống còn 24 và sau đó là 7 chiếc. Cuối cùng, dự án bị cắt giảm chỉ còn 3 chiếc. 
 
Chiếc đầu tiên sẽ được ra mắt vào năm tới và sẽ được bàn giao cho Hải quân Mỹ vào năm 2014. 
 
Tuy nhiên, có quan ngại rằng Hải quân Mỹ đang cố trang bị cho chiến hạm này quá nhiều công nghệ tối tân và quá lớn nên sẽ gặp nhiều hạn chế. 
 
Một số sỹ quan hải quân thậm chí còn chỉ ra rằng năng lực của chiến hạm này không bằng các chiến hạm hiện tại về khả năng phòng thủ tên lửa. Một nhà phân tích quân sự còn cảnh báo rằng nó dễ bị tổn thương khi hoạt động gần bờ để hỗ trợ hỏa lực. 
 
Nhưng theo Hải quân Mỹ thì các công nghệ mới của Zumwalt sẽ giúp chiến hạm này phát hiện và đánh bại các cuộc tấn công và duy trì hoạt động được ở những vùng biển mà đối phương tìm cách phong tỏa, ở cả trên đại dương và khu vực gần bờ. Mọi người cho rằng nó quá đắt đỏ nhưng việc giảm số lượng thủy thủ đoàn cũng sẽ tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể để vận hành nó. 
 
Đô đốc Greenert nói với các phóng viên rằng chiến hạm này hoàn toàn phù hợp với chiến lược chuyển trọng tâm quân sự của Mỹ sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương trước sự lớn mạnh của kinh tế châu Á và sự vươn lên của Trung Quốc như một cường quốc quân sự. 
 
Ông không nói rõ chiến hạm mới này có mục đích sử dụng như thế nào. Tuy nhiên Bộ quốc phòng Mỹ đã bày tỏ quan ngại rằng Trung Quốc đang hiện đại hóa hải quân của họ với mục tiêu ngắn hạn là ngăn chặn hoặc đẩy lùi sự can thiệp của Mỹ vào một cuộc xung đột với Đài Loan.  Các quan chức quốc phòng của Mỹ cũng nhìn thấy nguy cơ bất ổn và những cuộc xung đột ở Biển Đông.


(theo NLĐ)

Ý kiến bạn đọc