(VnMedia) - CHDCND Triều Tiên được cho là một trong những nước sở hữu kho vũ khí tên lửa có sức mạnh kinh hoàng nhất thế giới. Theo ước tính củaMỹ, CHDCND Triều Tiên đã phát triển tới 600 quả tên lửa Scud, khoảng 200 tên lửa Nodong và khoảng 50 tên lửa Taepodong.
Bình Nhưỡng phát triển nền công nghiệp tên lửa vừa nhằm mục đích an ninh vừa nhằm mục đích kinh tế. Kể từ sau khi Liên Xô cũ sụp đổ, Triều Tiên đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu tên lửa, công nghệ và thành phần tên lửa lớn nhất thế giới.
Trong suốt hai thập kỷ qua, CHDCND Triều Tiên đã tiến hành không ít các vụ phóng thử tên lửa cũng như phóng tên lửa đạn đạo mang vệ tinh lên quỹ đạo. Tất cả những động thái liên quan đến tên lửa của Triều Tiên đều khiến các cường quốc lo ngại.
Bắt đầu tiếp cận nền công nghiệp tên lửa từ cuối những năm 1960 khi nước này đặt hàng những quả tên lửa đất đối không đầu tiên từ Moscow, nhưng đến năm 1984 Triều Tiên mới lần đầu tiên tiến hành một vụ phóng thử tên lửa. Đó chính là tên lửa Scud do Triều Tiên tự nghiên cứu và chế tạo.
Năm 1976, Ai Cập đã cung cấp cho Triều Tiên những tên lửa Scud-B của Liên Xô, có thể mang đầu đạn nặng tới 200kg và có tầm bắn 300 km, kèm theo thiết kế của loại tên lửa này để đổi lấy sự ủng hộ của Triều Tiên trong cuộc chiến tranh mang tên Yom Kippur giữa Ai Cập và Israel.
Từ tên lửa do Ai Cập cung cấp, các chuyên gia quân sự của Triều Tiên đã nâng cấp thành hai phiên bản mới Scud-C (Hwasong-5) và Scud-D (Hwasong-6) với tầm bắn lần lượt là 500 và 700km. Với hai loại tên lửa này, Triều Tiên có thể tấn công vào bất kỳ khu vực nào trên lãnh thổ Hàn Quốc. Vì vậy, tên lửa Scud trở thành cơn ác mộng đối với nước láng giềng sát nách của Triều Tiên.
Đến cuối năm 1980, Viện Khoa học tự nhiên Thứ Hai của Triều Tiên bắt đầu bắt tay vào phát triển một loại tên lửa đạn đạo tầm trung “Nodong”.
Tháng 5/1990, các hình ảnh do vệ tinh do thám của Mỹ ghi lại cho thấy một quả tên lửa Nodong đã được đưa lên bệ phóng ở bãi phóng thử tên lửa Musudan-ri, tuy nhiên, có vẻ như đây là một vụ phóng không thành công khi vệ tinh ghi lại được dấu vết của những đám cháy trong bãi phóng.
Tuy vậy, Triều Tiên được cho là vẫn giữ được những bản hợp đồng xuất khẩu tên lửa Nodong cho Libya, Iran và thậm chí cả Syria và Pakistan trước khi nước này chính thức công bố phóng thử thành công tên lửa này vào cuối tháng 5/1993.
Khi đó, Bình Nhưỡng đã bắn một tên lửa Nodong-1 (Rodong-1) từ một căn cứ tại huyện Hwadae, gần thủ phủ Wonsan của tỉnh miền nam Kangwon. Mục tiêu của tên lửa là một phao nổi trên biển Nhật Bản. Tên lửa này bắt đầu được triển khai 2 năm sau đó.
Khi tên lửa Nodong đã dần được triển khai một cách đầy đủ, thì các kỹ sư quân sự của CHDCND Triều Tiên bắt đầu làm việc cật lực để phát triển một loại tên lửa mới có những tính năng vượt trội hơn – tên lửa Taepodong-1.
Vào tháng 8/1998, Triều Tiên đã khiến cả thế giới phải sửng sốt khi lần đầu tiên phóng thử tên lửa Taepodong-1. Đây chính là thế hệ tên lửa tầm xa đầu tiên của Triều Tiên. Loại tên lửa này đã khẳng định sự phát triển vượt bậc của Bình Nhưỡng trong công nghệ phát triển tên lửa.
Sau một vài năm yên ắng, đến năm 2003, Triều Tiên lại bắt đầu phóng thử hàng loạt quả tên lửa hành trình đất đối tàu ở vùng bờ biển phía đông chỉ trong vòng nửa tháng (từ ngày 24/2 đến 10/3).
Loạt vụ phóng thử tên lửa này được coi là động thái khiêu chiến bởi vì chúng được tiến hành chỉ một ngày sau lễ nhậm chức của Tổng thống Hàn Quốc thời đó là ông Roh Moo-huyn. Đây cũng chính là ngày Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell đến
Ngày 5/7/2006, Triều Tiên tiếp tục tiến hành hai loạt thử tên lửa với ít nhất 5 quả được bắn xuống vùng biển Nhật Bản, gồm 2 tên lửa tầm ngắn Nodong-2, một tên lửa Scud và 2 tên lửa Taepodong-2. Taepodong được cho là loại tên lửa có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ.
Năm 2009 được coi là năm điểm nhấn của trong lĩnh vực phát triển tên lửa cũng của Triều Tiên khi nước này liên tục tiến hành các vụ thử tên lửa tầm xa.
Tháng 4/2009, tên lửa Unha-2 – một phiên bản nâng cấp của Taepodong-2 được phóng đi từ bãi phóng vệ tinh Tonghae, ở Musudan-ri, thuộc đông bắc của Triều Tiên. Tên lửa này mang theo vệ tinh Kwangmyongsong-2 lên quỹ đạo của trái đất. Triều Tiên ngay sau đó tuyên bố vệ tinh này đã được đưa lên quỹ đạo. Tuy nhiên, Mỹ và Hàn Quốc cho rằng tầng thứ nhất của tên lửa này đã rơi xuống vùng biển nằm giữa Bán đảo Triều Tiên và biển Nhật Bản, còn những phần còn lại bị rơi xuống vùng biển Thái Bình Dương. Trong khi Cơ quan Vũ trụ Nga cho hay không có vệ tinh nào của Triều Tiên xuất hiện trên quỹ đạo ở thời điểm đó.
Động thái trên của Triều Tiên bị các cường quốc và Liên hợp quốc lên án gay gắt.
Tuy nhiên Bình Nhưỡng vẫn cho rằng nước này thử nghiệm công nghệ vệ tinh vì mục đích hòa bình và sau đó, nước này đã tẩy chay các cuộc đàm phán 6 bên về hạt nhân và chỉ vài tuần sau lập tức tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ hai.
Khoảng 3 tháng sau, vào ngày 4/7/2009, Triều Tiên bắn thử 7 quả tên lửa Scud xuống vùng biển Nhật Bản, khiến các nước láng giềng lo ngại.
Ngày 29/3 vừa qua, Triều Tiên tuyên bố nước này vừa phóng thử nghiệm thành công hai quả tên lửa tầm ngắn đất đối tàu KN-01 ở vùng biển Hoàng Hải, phía tây bán đảo Triều Tiên.
Các nguồn tin nói rằng, cuộc thử nghiệm này không có mối liên hệ rõ ràng với vụ phóng mà Triều Tiên nói là một tên lửa mang vệ tinh sắp tới.
Hôm 16/3 vừa qua, Triều Tiên đã công bố kế hoạch phóng tên lửa mang vệ tinh lên quỹ đạo của mình, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố chủ tịch Kim Nhật Thành. Kế hoạch phóng tên lửa này cũng vấp phải những sự phản ứng hết sức quyết liệt của các cường quốc hàng đầu thế giới. Các cường quốc kêu gọi Bình Nhưỡng lập tức từ bỏ ý định trên, đe dọa nước này sẽ phải gánh chịu những hậu quả khôn lường nếu tiếp tục tiến hành vụ thử.
Tuy vậy, Triều Tiên có vẻ như vẫn giữ lập trường của mình và không hề bị lung lay trước những sức ép của các cường quốc khi những hình ảnh ghi được từ vệ tinh do thám những ngày gần đây cho thấy tên lửa Unha-3 có thể đã được lắp đặt vào bệ phóng ở Tongchang-ri, chuẩn bị sẵn sàng cho vụ phóng thử tên lửa gây tranh cãi này.
Ý kiến bạn đọc