(VnMedia) - Sau khi vụ thử tên lửa của Triều Tiên thất bại, tin đồn dấy lên về việc Bình Nhưỡng có thể sẽ tiến hành thử hạt nhân lần thứ 3 để cứu vãn tình thế. Các nước lại nín thờ chờ xem liệu Bình Nhưỡng có tái diễn kịch bản năm 2009 hay không.
Mặc dù Triều Tiên tuyên bố phóng tên lửa đưa vệ tinh vào vũ trụ là để mừng kỷ niệm lần sinh nhật thứ 100 của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và để phục vụ công tác nghiên cứu mang tính chất hòa bình nhưng nhiều nhà phân tích tin rằng, kế hoạch này mang nhiều thông điệp hơn nữa.
Bình Nhưỡng muốn thông qua vụ phóng tên lửa lần này để củng cố quyền lực của tân Lãnh đạo Kim Jong Un và thể hiện sức mạnh quân sự nhằm tăng cường vị thế của nước này trong các cuộc đàm phán sắp tới với các cường quốc.
Sáng sớm ngày hôm qua (13/4), tên lửa của Triều Tiên đã được phóng đi dưới sự theo dõi chặt chẽ của các nước Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, báo chí đồng loạt đưa tin, tên lửa của Triều Tiên đã nổ tung, vỡ tan và rơi xuống đại dương khoảng hơn 1 phút sau khi được phóng đi. Hãng thông tấn chính thức KCNA của Triều Tiên sau đó cũng chính thức thừa nhận, vụ phóng tên lửa của họ đã thất bại.
Rõ ràng, vụ phóng tên lửa thất bại đã đẩy chính phủ Triều Tiên vào tình trạng “bối rối”. Sự thất bại này chính là thách thức đầu tiên hay có thể gọi là cuộc khủng hoảng đầu tiên mà Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un phải đối mặt. Theo dự đoán của một số chuyên gia, Bình Nhưỡng có thể tiến hành một vụ thử hạt nhân ngay sau đó để cứu vãn tình thế khó xử cho họ.
"Khả năng Triều Tiên tiến hành thêm một vụ phóng tên lửa tầm xa hay một vụ thử hạt nhân hoặc là một hành động khiêu khích quân sự nào đó nhằm củng cố sự đoàn kết bên trong nước này là rất cao”, một quan chức quốc phòng Hàn Quốc đã nhận định như vậy tại một cuộc họp Quốc hội.
Như vậy, sau khi nín thở chờ Triều Tiên phóng tên lửa, các nước lại nín thở chờ xem liệu nước này có tiếp tục thách thức các cường quốc thế giới bằng một vụ thử hạt nhân mới – vụ thử hạt nhân thứ ba của Triều Tiên nếu nó được thực hiện.
Liên Hợp Quốc lên án vụ phóng tên lửa Triều Tiên
Sau khi Triều Tiên tiến hành vụ phóng tên lửa đưa vệ tinh vào vũ trụ, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngay lập tức đã có một cuộc họp khẩn trong ngày bàn về việc này.
Sau cuộc họp, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm 15 thành viên đã đưa ra một tuyên bố chung, trong đó nói rằng: “Các thành viên của Hội đồng Bảo an lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vì đó là hành động vi phạm nghị quyết 1718 và 1874" của cơ quan này.
"Các thành viên của Hội đồng Bảo an đã nhất trí sẽ tiếp tục bàn bạc, thảo luận để đưa ra một biện pháp đáp trả tương xứng", Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc – bà Susan Rice cho biết.
Tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng nhấn mạnh: "Dù thất bại, vụ phóng cái gọi là ‘vệ tinh ứng dụng’ của Triều Tiên hôm 13/4 vẫn là hành động đáng lên án vì nó thách thức lập trường thống nhất và kiên quyết của cộng đồng quốc tế”.
Theo các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Triều Tiên bị cấm thực hiện những vụ phóng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo. Vụ phóng tên lửa đưa vệ tinh vào vũ trụ ngày hôm qua của Triều Tiên bị các cường quốc coi là một cái vỏ bọc để nước này thử công nghệ tên lửa đạn đạo tầm xa.
Nga, Trung Quốc và Ấn Độ “bênh” Triều Tiên
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã ra được một tuyên bố lên án Triều Tiên nhưng cơ quan này sẽ khó mà có thể thông qua được một lệnh trừng phạt mới với Bình Nhưỡng khi mà hai thành viên quyền lực của Hội đồng Bảo an là Nga, Trung Quốc được cho sẽ không ủng hộ điều đó.
Ngoại trưởng Nga, Trung Quốc và Ấn Độ hôm qua đã kêu gọi tất cả các bên kiềm chế trong cuộc khủng hoảng liên quan đến vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
"Chúng tôi tin rằng, phản ứng đối với những thách thức như vậy chỉ nên dừng trong khuôn khổ ngoại giao và chính trị. Chúng tôi kêu gọi các bên hãy thể hiện trách nhiệm cao nhất và kiềm chế, nỗ lực để nối lại các cuộc đàm phán 6 bên”, tuyên bố chung của Ngoại trưởng 3 nước Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đã viết như vậy.
Tuyên bố trên được đưa ra sau cuộc họp ba bên còn được gọi là RIC giữa Ngoại trưởng Nga Lavrov, Ngoại trưởng Ấn Độ S M Krishna và Ngoại trưởng Trung Quốc Yang Jiechi ngày hôm qua. Cuộc họp này diễn ra chỉ vài giờ trước khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhóm họp kín và khẩn cấp ở New York.
Lập trường trên của Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đồng nghĩa với việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khó lòng có thể thông qua được một lệnh trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên. Nga và Trung Quốc vốn nắm quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an và hai nước này được tin là sẽ ngăn chặn bất kỳ hành động trừng phạt nào về mặt thương mại hay quân sự mà các cường quốc phương Tây định nhằm vào Bình Nhưỡng.
Đây là lần thứ hai trong hai tuần qua, các nước RIC thể hiện lập trường chung trong một vấn đề quốc tế, thách thức lập trường của phương Tây. Tại hội nghị thượng đỉnh BRICS hồi tháng trước ở New Delhi, 5 cường quốc mới nổi gồm 3 nước trên và Nam Phi, Brazil đã lên tiếng khẳng định, họ phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào trong vấn đề Iran và Syria.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc