(VnMedia) - Ngoại trưởng Iran Ali-Akbar Salehi hôm qua (9/4) tuyên bố, nước ông sẽ không chấp nhận bất kỳ điều kiện nào được đặt ra trước các cuộc đàm phán hạt nhân với 6 cường quốc dự kiến diễn ra vào ngày 14/4 tới. Phát biểu này của ông Salehi có thể sẽ khiến phương Tây nổi giận.
Trước đó, Hội đồng An ninh Quốc gia tối cao Iran (SNSC) xác nhận, các cuộc đàm phán hạt nhân mới giữa nước CH Hồi giáo với nhóm G5+1 gồm 5 thường viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc) và Đức sẽ diễn ra ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Bảy tới (14/4).
SNSC cũng thông báo, cả Iran và nhóm G5+1 đều nhất trí, vòng đàm phán hạt nhân tới sẽ được tổ chức ở Baghdad, Iraq và thời gian của cuộc họp này sẽ được thông báo trong vòng đàm phán ở Istanbul.
Hôm Chủ nhật (8/4), tờ New York Times đưa tin, Mỹ và các đồng minh phương Tây sẽ đặt điều kiện cho Iran trước khi các cuộc đàm phán diễn ra. Theo đó, Tehran cần phải đóng cửa ngày lập tức nhà máy hạt nhân kiên cố Fordo ngầm dưới lòng đất ở miền trung Iran và ngừng làm giàu uranium ở cấp độ tinh khiết 20%.
Theo tin của tờ New York Times, các quan chức phương Tây đã nói rằng, “ưu tiên khẩn cấp” là thuyết phục Iran từ bỏ và chuyển ra khỏi nước này kho uranium được làm giàu ở cấp độ 20% và buộc Tehran đóng của nhà máy Fordo.
Phản ứng trước diễn biến trên, Ngoại trưởng Salehi hôm qua tuyên bố, “việc đặt ra các điều kiện trước vòng đàm phán có nghĩa là rút ra kết luận trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu. Điều này thực sự vô nghĩa và không bên nào sẽ chấp nhận điều kiện trước các cuộc đàm phán”.
Trước đó, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad cũng cho biết, Iran không muốn gì ngoài những quyền được quy định trong Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT).
Ông Ahmadinejad lên án nhóm G5+1 về việc đơn phương đặt ra các điều kiện cho cuộc đàm phán. Theo ông này, hai bên phải cùng xem xét các điều kiện, đòi hỏi của nhau trên bàn đàm phán.
Phản ứng cứng rắn trên của Iran chắc chắn sẽ khiến các cường quốc nổi giận. Không rõ, việc Mỹ vừa điều tàu sân bay thứ hai đến vùng Vịnh Persian có liên quan gì đến lập trường kiên quyết của Tehran hay không nhưng nó cũng làm cho khu vực Trung Đông trở nên nóng bỏng hơn.
Iran bắt đầu nhượng bộ
Tuy nhiên, mọi việc không hoàn toàn đáng thất vọng. Iran đã có dấu hiệu nhượng bộ trong vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của nước này khi cho biết sẽ đưa ra những đề xuất thực tế trên bàn đàm phán sắp tới.
Ông Fereidoon Abbasi, người đứng đầu Tổ chức Năng lượng hạt nhân Iran, hôm 8/4 đã phát biểu trên đài truyền hình quốc gia rằng, Iran sẽ không dừng làm giàu uranium ở cấp độ cao. Tuy nhiên, Iran sẽ không làm giàu uranium ở cấp độ 20% quá nhu cầu cần thiết bởi việc sản xuất và giữ gìn nó không hề rẻ.
"Chúng tôi sẽ sản xuất uranium ở cấp độ 20% đủ cho nhu cầu của các lò phản ứng nghiên cứu và các lò phản ứng mà chúng tôi xây dựng trong tương lai”, ông Abbasi cho biết. Một khi đã đủ nguồn cung, “chúng tôi có thể giảm làm giàu uranium xuống cấp độ 3,5% cho việc sản xuất điện năng (để sản xuất vũ khí nguyên tử cần phải có uranium được làm giàu ở cấp độ hơn 90%)”.
Một trong những điều mà các cường quốc phương Tây mong muốn là thuyết phục được Iran đóng của nhà máy làm giàu uranium Fordo được xây dựng kiên cố dưới lòng đất. Tuy nhiên, có vẻ như Tehran sẽ không nhượng bộ trong vấn đề này.
Ông Abbasi đã tuyên bố, Iran sẽ không đóng cửa nhà máy Fordo. "Yêu cầu của nhóm G5+1 đòi chúng tôi ngừng các hoạt động làm giàu uranium ở nhà máy Fordo là phi lý".
Dù thế nào, những phát biểu trên của các quan chức Iran cũng đã cho thấy những dấu hiệu nhượng bộ. Vì thế, người ta có quyền hy vọng vào một kết quả nhất định trong các cuộc đàm phán vào cuối tuần này. Ông Michael Mann, một phát ngôn viên của cao ủy về chính sách đối ngoại của EU Catherine Ashton, phát biểu: “chúng tôi (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) hy vọng vòng đàm phán đầu tiên giữa Iran với nhóm G5+1 sẽ tạo ra được một môi trường tích cực nhằm giúp đạt được những tiến bộ cụ thể trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Iran. Tất nhiên, chúng tôi đang hướng tới một tiến trình bền vững”.
Mỹ và các đồng minh phương Tây luôn nghi ngờ Iran đang tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân dưới vỏ bọc một chương trình hạt nhân dân sự. Tuy nhiên, Tehran luôn bác bỏ cáo buộc này, khẳng định chương trình hạt nhân của họ vì mục đích dân sự.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc