(VnMedia) - Trung Quốc hôm qua (18/4) đã thẳng thừng bác bỏ đề nghị của phía Philippine về việc đưa cuộc tranh chấp lãnh hải giữa hai nước này ra giải quyết tại toà án quốc tế. Cùng với đó, Bắc Kinh đã cử một tàu lớn đến tuần tra ở khu vực Biển Đông – nơi đang dậy sóng trong những ngày gần đây vì sự đối đầu căng thẳng và quyết liệt giữa Trung Quốc và Philippine.
Động thái trên được xem là hành động đáp trả của Bắc Kinh đối với việc Manila kiên quyết từ chối rút tàu thuyền của nước này ra khỏi vùng lãnh hải tranh chấp giữa hai nước.
Trước đó cùng ngày, Manila cho biết, họ đang thuyết phục Bắc Kinh đồng ý đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước tại một khu vực bãi cạn chưa có ngưới sinh sống ở Biển Đông ra giải quyết tại toà án quốc tế trong bối cảnh hai nước này vừa có một cuộc khẩu chiến căng thẳng liên quan đến vấn đề này.
"Để theo đuổi con đường giải quyết hoà bình vấn đề tranh chấp ở bãi cạn Scarborough, chúng tôi dự định mời các đối tác Trung Quốc của chúng tôi tham gia tại Toà án Quốc tế về Luật Biển”, Ngoại trưởng Philippine Albert del Rosario cho biết trong một tuyên bố.
"Mục đích của việc này là để xác định rõ ràng xem ai trong hai nước chúng ta có quyền chủ quyền đối với vùng lãnh hải xung quanh bãi cạn Scarborough – nơi tàu thuyền Trung Quốc hiện nay thường tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippine".
Cuộc đối đầu mới nhất giữa Philippine và Trung Quốc về vấn đề tranh chấp lãnh thổ bùng lên sau khi một máy bay do thám của Hải quân Philippine hôm 8/4 phát hiện 8 tàu đánh cá của Trung Quốc lượn lờ đánh bắt cá ở khu vực bãi cạn Scarborough.
Ngay lập tức, tàu chiến lớn nhất của Philippine thuộc lớp Hamilton đã đến khu vực để kiểm tra sự hiện diện của ngư dân Trung Quốc. Lực lượng Hải quân Philippine đã phát hiện nhiều san hô, sinh vật biển, trong đó có cá mập vẫn còn sống trên một trong những con tàu của Trung Quốc. Tuy nhiên, hai tàu hải giám của Trung Quốc cũng nhanh chóng xuất hiện, đi vào giữa tàu của Hải quân Philippine và những con tàu đánh cá của Trung Quốc để ngăn không cho Philippine bắt giữ các ngư dân của họ.
Liên quan đến vụ đụng độ mới nhất và là đầu tiên trong năm nay giữa Trung Quốc và Philippine ở vùng tranh chấp nói trên, ông Voltaire Gazmin, Bộ trưởng Quốc phòng Philippine cho tờ The Philippine Star biết, cuộc tranh chấp này sẽ được đưa ra bàn thảo tại một cuộc họp ở Washington giữa các quan chức quân sự, ngoại giao hàng đầu của Manila với các đối tác Mỹ trong ngày 30/4 tới.
"Tôi chắc rằng, đây sẽ là một trong những chủ đề chính”, ông Gazmin khẳng định.
Trung Quốc triệu tập nhà ngoại giao Philippine
Căng thẳng ở Biển Đông tiếp tục leo thang khi ngày hôm qua, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Fu Ying triệu tập Đại biện lâm thời Philippine ở nước này đến để phản đối về sự việc mới nhất xảy ra ở khu vực biển gần đảo Huangyan hôm 10/4. Trước đó, hôm 15/4, Bắc Kinh cũng từng triệu tập một nhà ngoại giao của Manila đến để phản đối về vụ va chạm tàu thuyền giữa hai nước hôm 8/4
Thứ trưởng Fu cho rằng, hành động quấy nhiễu các ngư dân Trung Quốc của một tàu hải quân Philippine ở khu vực gần đảo Huangyan đã gây nên nỗi “quan ngại lớn’ cho phía Bắc Kinh.
Theo lời các quan chức Trung Quốc, hôm 10/4, 12 tàu đánh cá của nước này đã tìm tới vùng biển ở đảo Huangyan để tránh thời tiết khắc nghiệt nhưng bị một tàu hải quân Philippine quấy nhiễu. Sau đó, hai tàu hải giám của Trung Quốc đã tới khu vực trên để giải cứu các ngư dân của họ.
"Căng thẳng đã được giải quyết qua các cuộc đàm phán song phương”, bà Fu cho hay đồng thời nói thêm rằng bà hy vọng phía Philippine sẽ tôn trọng cam kết và ngay lập tức rút tàu thuyền ra khỏi vùng tranh chấp.
Trong khi đó, giới lãnh đạo Philippine tuyên bố, nước này có chủ quyền đối với đảo Huangyan.
Trung Quốc hiện đang có tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Biển Đông với một loạt nước gồm Philippine, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trong khi một số nước muốn đưa các cuộc tranh chấp này ra tòa án quốc tế thì Trung Quốc muốn giải quyết bằng con đường song phương.
Cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Philippine liên tục căng thẳng từ năm ngoái đến giờ. Trong những cuộc tranh chấp này, Philippine có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ phía Mỹ. Hồi cuối năm ngoái, Ngoại trưởng Hillary Clinton từng có phát biểu ám chỉ sẽ đứng về phía Manila trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc