Chiến đấu cơ lượn ở Bình Nhưỡng trước giờ phóng tên lửa

15:30, 12/04/2012
|

(VnMedia) - Những chiếc máy bay chiến đấu bay lượn trên bầu trời thủ đô Bình Nhưỡng trong buổi sáng ngày hôm nay (12/4), trong khi khi thế giới đang nín thở chờ đợi giây phút Triều Tiên phóng tên lửa, thách thức các cường quốc.
 
Theo kế hoạch, Triều Tiên sẽ phóng tên lửa tầm xa đưa vệ tinh vào vũ trụ trong khoảng thời gian 5 ngày từ ngày 12/4 đến 16/4, phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Từ hôm qua, đã có rất nhiều người dự đoán, Bình Nhưỡng sẽ phóng tên lửa trong ngày hôm nay (12/4) bởi các công việc chuẩn bị đã được hoàn thiện và dự báo thời tiết trong ngày hôm nay thuận lợi cho một vụ phóng tên lửa.
 
Trước dự đoán trên, từ sáng sớm nay, mọi con mắt đều đổ dồn về phía Triều Tiên để chờ đợi vụ phóng tên lửa thách thức các cường quốc của nước này. Tuy nhiên, sự kiện đáng chú ý nhất trong buổi sáng ngày hôm nay lại là màn bay lượn của các máy bay chiến đấu Triều Tiên trên khu vực Sông Taedong ở thủ đô Bình Nhưỡng. Theo lời các quan chức ở Bình Nhưỡng, đây là một màn diễn tập diễu binh mừng kỷ niệm 80 năm thành lập quân đội Triều Tiên vào cuối tháng này.
 
Khi buổi sáng qua đi mà không thấy động tĩnh gì từ phía Triều Tiên liên quan đến vụ phóng tên lửa, nhiều người tin rằng, nó sẽ không xảy ra trong ngày hôm nay.
 
Vụ phóng tên lửa thu hút sự chú ý của dư luận thế giới là một trong hàng loạt sự kiện lớn mừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành diễn ra trong tuần này. Các quan chức ngành vũ trụ Triều Tiên tuyên bố, vụ phóng tên lửa Unha-3 đưa một vệ tinh giám sát trái đất vào vũ trụ là một “món quà” đặc biệt của nhân dân Triều Tiên gửi đến Nhà Lãnh đạo Kim Nhật Thành.
 
Bình Nhưỡng hôm qua cho biết, bước tiếp nhiên liệu cuối cùng cho tên lửa 3 giai đoạn đang được tiến hành ở ngôi làng ven biển Tongchang-ri.
 
Theo lời ông Paek Chang Ho, Giám đốc Trung tâm Chỉ huy của Uỷ ban Vũ trụ Triều Tiên, tên lửa Unha-3 sẽ được phóng đi ngay sau khi các kỹ sư “bật đèn xanh”.
 
Theo phân tích qua hình ảnh vệ tinh mà Mỹ và Hàn Quốc thu thập được, Triều Tiên dường như đã thực hiện xong bước tiếp nhiên liệu cuối cùng cho tên lửa. Mọi việc lúc này hầu như phụ thuộc vào tình hình thời tiết, đặc biệt là gió.
 
Trong vụ phóng tên lửa đưa vệ tinh vào vũ trụ tương tự năm 2009, Triều Tiên cũng đưa ra kế hoạch thực hiện vụ phóng này trong 5 ngày và tên lửa được phóng đi đúng vào ngày thứ hai.
 
Nhật Bản, Philippine báo động trước tên lửa Triều Tiên
 
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda hôm nay (12/4) đã đến văn phòng trước 7h sáng, sớm một giờ hơn thường lệ, để đảm bảo rằng chính phủ đang được đặt trong tình trạng báo động ở mức cao nhất trước vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
 
"Chúng tôi muốn họ từ bỏ kế hoạch cho đến phút cuối cùng. Tuy nhiên, chúng tôi muốn chuẩn bị sẵn sàng đối phó với bất kỳ tình huống khẩn cấp nào có thể xảy ra”, Thủ tướng Noda đã nói như vậy với các phóng viên khi được hỏi về việc Nhật Bản thành lập một đội đặc biệt đối phó với tên lửa Triều Tiên.
 
Tokyo trước đó đã triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa để sẵn sàng đánh chặn và phá huỷ tên lửa của Triều Tiên nếu nó rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản.
 
Ngoài Nhật Bản, chính phủ Philippine cũng đã ra lệnh cho các chuyến bay và tàu thuyến tránh xa khu vực mà mảnh vỡ từ tên lửa Triều Tiên có thể rơi xuống.
 
Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước Châu Âu vụ phóng vệ tinh sắp tới của Triều Tiên chỉ là vỏ bọc để nước này thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo tầm xa.
 
Các chuyên gia cho biết, tên lửa Unha-3 giống tương tự với loại tên lửa có thể được sử dụng để bắn đi đầu đạn hạt nhân nhằm vào nước Mỹ và nhiều mục tiêu khác.
 
Những ồn ào quanh vụ phóng tên lửa của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh nước này vừa bổ nhiệm tân Lãnh đạo Kim Jong Un vào hai vị trí cao nhất trong chính quyền: Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Triều Tiên và Chủ tịch Quân uỷ Trung ương. Đây là động thái nhằm củng cố quyền lực cho ông Kim Jong Un và đánh dấu bước chuyển giao quyền lực cuối cùng từ cố Chủ tịch Kim Jong Il sang cho ông Kim Jong Un.
 
"Vụ phóng vệ tinh Kwangmyongsong-3 là niềm tự hào của dân tộc và nhân dân chúng tôi", ông Rim Kwang Myong, một chuyên gia toán học ở trường Đại học Kim Nhật Thành, cho biết.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc