Biển Đông lại dậy sóng vì cuộc đụng độ mới

11:09, 11/04/2012
|

(VnMedia) - Philippine hôm nay (11/4) đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Manila đến để phản đối về việc hai tàu hải giám của Trung Quốc ngăn không cho một tàu của Hải quân Philippine bắt giữ các ngư dân Trung Quốc trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
 
Philippine và Trung Quốc là hai trong số các nước có tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Biển Đông. Căng thẳng liên quan đến những cuộc tranh chấp này bắt đầu leo thang từ 2 năm nay khi Trung Quốc liên tục khẳng định chủ quyền đối với nhiều khu vực ở Biển Đông bằng những hành động quyết liệt và khi Mỹ tuyên bố quay trở lại khu vực Châu Á bằng mối quan hệ quân sự được thắt chặt với Philippine và Australia.
 
Hôm Chủ nhật vừa rồi (8/4), một máy bay do thám của Hải quân Philippine đã phát hiện 8 tàu đánh cá của Trung Quốc lượn lờ đánh bắt cá ở khu vực bãi cạn Scarborough – một trong những nơi đang nằm trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
 
Ngay lập tức, tàu chiến lớn nhất của Philippine thuộc lớp Hamilton đã đến khu vực để kiểm tra sự hiện diện của ngư dân Trung Quốc. Lực lượng Hải quân Philippine đã phát hiện nhiều san hô, sinh vật biển, trong đó có cá mập vẫn còn sống trên một trong những con tàu của Trung Quốc. Tuy nhiên, hai tàu hải giám của Trung Quốc cũng nhanh chóng xuất hiện. Hai con tàu này đã đi vào giữa tàu của Hải quân Philippine và những con tàu đánh cá của Trung Quốc để ngăn không cho Philippine bắt giữ các ngư dân của họ. Đây là vụ đụng độ trên biển đầu tiên giữa Trung Quốc và Philippine ở khu vực Biển Đông trong năm nay.
 
Ngay sau sự việc, sáng nay, Philippine đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc Ma Keqing đến để thảo luận về tình hình. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippine Raul Hernandez, Manila đang tìm kiếm một giải pháp ngoại giao với Trung Quốc về vấn đề trên.
 
"Bãi cạn Scarborough là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Philippine và Hải quân Philippine đang thực thi luật pháp của mình trên bãi cạn thuộc vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi (EEZ)", Bộ Ngoại giao Philippine đã khẳng định như vậy trong một tuyên bố.
 
Bãi cạn Scarborough (tiếng Philippines: Panatag Shoal; tiếng Trung: Huangyan Dao; Hán-Việt: Hoàng Nham đảo) là một nhóm đảo và bãi đá ngầm có hình vòng cung. Bãi cạn này nằm ở giữa quần đảo Trung Sa và đảo Luzon, Philippines trên Biển Đông. Giống như nhiều khu vực đảo khác ở biển này, chủ quyền của bãi cạn Scarborough đang bị tranh chấp.
 
Cách đây hơn 1 năm, vào tháng 3 năm ngoái, các tàu của Hải quân Trung Quốc cũng từng đe dọa sẽ đâm chìm tàu nghiên cứu của Philippine. Hành động đó của Trung Quốc đã khiến Manila phải cho các máy bay cất cánh khẩn cấp và điều thêm tàu thuyền đến Bải cỏ rong (Reed Bank) – một khu vực cũng nằm trong tranh chấp ở Biển Đông.
 
Vụ việc trên đã khiến Manila tìm cách thắt chặt quan hệ với Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự. Hồi cuối năm ngoái, Ngoại trưởng  Hillary Clinton từng có phát biểu ám chỉ Mỹ sẽ đứng về phía Philippine trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với Trung Quốc. Cùng với đó, Mỹ tuyên bố sẽ triển khai các chiến hạm đến Philippine đồng thời cung cấp vũ khí hiện đại cho quân đội nước Đông Nam Á này. Hải quân hai nước Mỹ và Philippine sẽ tiến hành một cuộc tập trận lớn xung quanh Bải cỏ rong vào cuối tháng này.
 
Trong một hội nghị thượng đỉnh khu vực ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia hồi đầu tháng này, Philippine đã thúc giục các nước thảo luận về các cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn phản đối việc “quốc tế hóa” tranh chấp Biển Đông mà muốn những cuộc tranh chấp này được giải quyết song phương.
 
Liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông, hôm 7/4, báo chí nhà nước Trung Quốc cho biết, một tàu du lịch mang tên Coconut Princess của Công ty cổ phần vận tải biển Hải Hiệp Hải Nam từ ngày 6/4 đã bắt đầu thực hiện hành trình thử nghiệm tuyến du lịch đường biển từ Tam Á, Hải Nam đến đảo Đá Bắc thuộc quần đảo Hoàng Sa – một quần đảo thuộc chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam. Hành động này cùng với cuộc đụng độ giữa tàu thuyền Philippine và tàu thuyền Trung Quốc ở ngoài khơi Philippine đã làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông.
 
Phản ứng trước động thái trên, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị hôm 9/4 đã tuyên bố, việc phía Trung Quốc khai thác du lịch ở quần đảo Hoàng Sa là bất hợp pháp.
 
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh: " Việt Nam khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc làm trên của phía Trung Quốc là bất hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Trung Quốc phải chấm dứt ngay việc làm trên, nghiêm túc tuân thủ DOC, không có thêm hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông”.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc