Trung Quốc gây áp lực hiếm hoi với Triều Tiên

18:03, 17/03/2012
|

(VnMedia) - Trung Quốc hôm qua (16/3) đã gây áp lực hiếm hoi lên nước đồng minh Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ phóng một tên lửa tầm xa đưa vệ tinh vào vũ trụ trong tháng 4 tới.

 

Mặc dù không lên án trực tiếp Triều Tiên nhưng Bắc Kinh đã bày tỏ sự quan ngại trước kế hoạch phóng tên lửa đưa vệ tinh lên vũ trụ của Triều Tiên.

 

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Zhang Zhijun hôm qua đã có cuộc gặp với Đại sứ Triều Tiên tại Bắc Kinh Ji Jae Ryong. Tại cuộc gặp này, ông Zhang đã bày tỏ sự lo lắng về vụ phóng vệ tinh sắp tới của Triều Tiên cũng như trao đổi quan điểm với ông Ji về mối quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên và tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

 

Theo lời ông Zhang, Trung Quốc chú ý đến kế hoạch phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng cũng như phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với kế hoạch này. Trung Quốc tin rằng, các nước liên quan có nghĩa vụ chung và cũng có lợi ích trong việc duy trì hòa bình và sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên cũng như ở khu vực Đông Bắc Á.

 

"Chúng tôi thành thật hy vọng các bên liên quan bình tĩnh và kiềm chế nhằm tránh làm leo thang căng thẳng, có thể dẫn đến tình hình phức tạp hơn”, ông Zhang phát biểu.

 

Trung Quốc là đồng minh lớn nhất và thân thiết nhất với Triều Tiên. Trong thời gian qua, Bắc Kinh luôn ủng hộ và hậu thuẫn Bình Nhưỡng trong các cuộc đối đầu với phương Tây. Chính vì thế, việc Trung Quốc bày tỏ sự lo ngại đối với kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên được xem là một phản ứng hiếm hoi của cường quốc số 1 Châu Á đối với nước đồng minh của họ.

 

Nga cũng dùng ngôn từ mạnh với Triều Tiên

 

Nga – nước vốn giữ lập trường hòa dịu hơn với Triều Tiên so với các nước Mỹ, Hàn, Nhật, hôm qua cũng đã dùng những ngôn từ gay gắt và cứng rắn để lên án kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên.

 

Moscow cảnh báo Bình Nhưỡng không nên thách thức cộng đồng quốc tế. Nga nhấn mạnh, việc Triều Tiên tiến hành một vụ phóng tên lửa tầm xa mới sẽ phá hỏng cơ hội khôi phục lại các cuộc đàm phán hạt nhân 6 bên đã bị đình trệ suốt thời gian dài qua.

 

Trước đó, ngay sau khi Triều Tiên công bố thông tin về kế hoạch phóng một tên lửa tầm xa đưa vệ tinh vào vũ đạo trong tháng 4 tới để kỷ niệm sinh nhật cố Lãnh đạo Kim Nhật Thành, một loạt nước đã nhanh chóng lên tiếng chỉ trích Bình Nhưỡng.

 

Hàn Quốc là một trong những nước có phản ứng nhanh nhất với thông báo phóng vệ tinh của Triều Tiên. Seoul tuyên bố, việc Bình Nhưỡng phóng tên lửa tầm xa đưa vệ tinh vào quỹ đạo trong tháng 4 tới là một hành động vi phạm nghiêm trọng nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và là một mối đe doạ đối với an ninh khu vực.

 

Sau Hàn Quốc, Nhật Bản cũng lên án vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên là hành động vi phạm trắng trợn nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

 

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tin rằng, thông báo phóng vệ tinh của Triều Tiên là một động thái mang đầy tính khiêu khích. Bà Hillary kêu gọi Bình Nhưỡng tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế trong đó có các nghị quyết của Hội đồng Bảo an cấm nước này phóng tên lửa đạn đạo. Washington đe dọa sẽ ngừng ngay kế hoạch cấp viện trợ lương thực cho Bình Nhưỡng theo thỏa thuận mà hai nước vừa đạt được hồi tháng trước.

 

Vụ phóng tên lửa sắp tới của Triều Tiên nếu được thực hiện chắc chắn sẽ gây ra một cơn sóng gió mới trong quan hệ giữa nước này với Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Sở dĩ 3 nước Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc có phản ứng mạnh với những vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên là vì họ không tin đây là những vụ phóng vệ tinh đơn thuần. Cả Washington , Tokyo Seoul đều tin rằng những vụ phóng vệ tinh đó chỉ là vỏ bọc để Bình Nhưỡng thử nghiệm công nghệ tên lửa tầm xa của nước này.

 

Cách đây 3 năm, cũng đúng vào thời điểm tháng 4, Bình Nhưỡng từng thực hiện một vụ phóng tên lửa đưa vệ tinh vào quỹ đạo. Động thái này của Triều Tiên đã vấp phải sự lên án gay gắt của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Và ngay sau đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã ra một nghị quyết cấm Triều Tiên thực hiện các hoạt động hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

 

Triều Tiên sở hữu một trong những lực lượng quân đội hùng hậu nhất thế giới. Nước này cũng sở hữu một chương trình hạt nhân khá mạnh và một kho tên lửa đáng nể, gồm những tên lửa tầm ngắn, tầm trung và tầm xa. Được biết, tên lửa tầm trung của Triều Tiên có thể huỷ diệt những mục tiêu ở cách xa 3.000km. Triều Tiên cũng đang phát triển tên lửa tầm xa Taepodong-2 có tầm bắn ước tính lên tới hơn 6.000km. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc luôn coi chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là mối đe dọa đối với an ninh khu vực.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc