(VnMedia) - Một quan chức cấp cao Mỹ vừa mới đây đã lên tiếng cảnh báo, vụ phóng tên lửa tầm xa sắp tới của Triều Tiên sẽ lần đầu tiên nhằm về phía Hàn Quốc và ảnh hưởng của vụ này sẽ bao trùm một khu vực “giữa Australia, Indonesia và Philippines".
Ông Kurt Campbell, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, đã trực tiếp đưa ra lời cảnh báo trên cho Ngoại trưởng Australia Bob Carr, tờ Sydney Morning Herald hôm nay (24/3) đưa tin.
"Nếu vụ phóng tên lửa của Triều Tiên được tiến hành đúng như kế hoạch nước này đặt ra thì theo phán đoán của tôi, vụ phóng này sẽ ảnh hưởng đến một khu vực rộng lớn gồm Australia, Indonesia và Philippine," ông Campbell cho biết.
"Chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy đường đi tên lửa nào như trên trước đây. Chúng tôi đang nghiên cứu kỹ và yêu cầu các nước phải làm rõ, một vụ phóng tên lửa như thế là hành động khiêu khích và kế hoạch đó cần phải được chặn đứng”, ông Campbell cho biết.
Tuần trước, Triều Tiên đã khiến các nước bất ngờ khi thông báo kế hoạch phóng tên lửa tầm xa đưa vệ tinh vào vũ trụ nhằm kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Lãnh đạo Kim Nhật Thành vào tháng 4 tới. Ngày hôm qua (23/3), Bình Nhưỡng cho biết, họ đã chuẩn bị xong cho vụ phóng tên lửa và tuyên bố sẽ đáp trả trước bất kỳ hành động chống đối nào đối với kế hoạch phóng tên lửa sắp tới của nước này.
Kế hoạch phóng tên lửa tầm xa đưa vệ tinh vào vũ trụ của Triều Tiên đã khiến nhiều nước trong khu vực lo ngại. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã chỉ trích mạnh mẽ kế hoạch này. Philippine kêu gọi Mỹ giúp giám sát vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Trong khi đó, Nhật Bản đã sẵn sàng triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn để bắn hạ vệ tinh của Triều Tiên nếu nó gây ra bất kỳ mối đe doạ nào với nước này.
Sở dĩ các nước phản ánh mạnh với các vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên sắp tới là vì họ không tin đó là những vụ phóng vệ tinh đơn thuần. Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và các cường quốc phương Tây tin rằng những vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên chỉ là vỏ bọc để nước này thử nghiệm công nghệ tên lửa tầm xa.
Cách đây 3 năm, cũng đúng vào thời điểm tháng 4, Bình Nhưỡng từng thực hiện một vụ phóng tên lửa đưa vệ tinh vào quỹ đạo. Động thái này của Triều Tiên đã vấp phải sự lên án gay gắt của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Và ngay sau đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã ra một nghị quyết cấm Triều Tiên thực hiện các hoạt động hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Mặc dù phớt lờ lời kêu gọi huỷ bỏ kế hoạch phóng tên lửa của các nước nhưng Bình Nhưỡng cũng tìm cách trấn an nỗi lo lắng của cộng đồng quốc tế về vụ việc này. Giới quan chức Triều Tiên cho biết họ sẽ mời các giám sát viên quốc tế đến trực tiếp giám sát vụ phóng vệ tinh của họ và khẳng định động thái này của họ là để phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học.
Kiệt Linh -
(theo AFP)
Ý kiến bạn đọc