Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc có đáng sợ?

06:47, 14/03/2012
|

(VnMedia) - Trung Quốc có kế hoạch đưa tàu sân bay đầu tiên của nước này vào hoạt động vào cuối nămnay. Đây là thông tin vừa được một quan chức hải quân hàng đầu Trung Quốc tiết lộ hôm Chủ nhật (11/3).

 

Ông Xu Hongmeng, Phó Tư lệnh Lực lượng Hải quân thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) đã phát biểu trên tờ People's Daily hôm 11/3 rằng, PLA “có kế hoạch” đưa tàu sân bay đầu tiên có tên là Thi Lang của nước này vào hoạt động trong năm nay. Tàu sân bay Thi Lang đã trải qua 4 cuộc thử nghiệm trên biển từ hồi năm ngoái đến giờ.

 

Theo nguồn tin từ báo chí Trung Quốc, tàu Thi Lang đậu tại cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, phía đông bắc Trung Quốc hiện tại đã được trang bị những mô hình máy bay có kích cỡ to như thật.

 

Chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được nâng cấp từ một chiến hạm của Liên Xô cũ. Con tàu này đã thực hiện hải trình thử nghiệm đầu tiên kéo dài 5 ngày bắt đầu từ hôm 10/8 năm ngoái. Kể từ đó đến nay, tàu Thi Lang đã trải qua thêm 3 lần thử nghiệm ở biển Thái Bình Dương.

 

Phó Đô đốc Cao Dongshen, một đại biểu Quốc hội khóa 11, hồi đầu tuần này đã cho tờ China Daily biết, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc sẽ không được triển khai như một phần của hạm đội cố định mà liên tục di chuyển. Tàu Thi Lang sẽ được dùng chủ yếu cho các mục đích thí nghiệm, đào tạo và nghiên cứu khoa học, ông Cao tiết lộ thêm bên lề phiên họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc.

 

Phó Đô đốc Cao cũng bác bỏ những thông tin cho rằng, Trung Quốc đang có ý định thiết lập những căn cứ hải quân bên ngoài.

 

Trong khi đó, ông Wang Dengping, một quan chức trong Hạm đội Biển Bắc Trung Quốc, khẳng định với giới truyền thông rằng, việc sở hữu một tàu sân bay sẽ không làm thay đổi chính sách quốc phòng của Trung Quốc.

 

Ngoài tàu sân bay Thi Lang, Trung Quốc từng tuyên bố đang bắt tay đóng mới 3 chiếc tàu loại này. Một số nước đã tỏ ra quan ngại trước tham vọng hải quân của Trung Quốc bởi tàu sân bay vốn được xem là biểu tượng sức mạnh trên biển. Tuy nhiên, một số nước khác lại đánh giá, sự kiện Trung Quốc có tàu sân bay đầu tiên chỉ mang tính biểu tượng.


Chuyên gia Ashley Townshend thuộc Viện Chính sách Quốc tế Lowy ở Sydney từng nhận định, Trung Quốc sẽ cần phải có ít nhất 3 tàu sân bay nếu nước này có ý định “nghiêm túc” trong việc thiết lập một hạm đội tàu sân bay có khả năng chiến đấu. Theo ông Townshend, để làm được điều đó, Trung Quốc sẽ phải đóng một loạt tàu và máy bay hỗ trợ. Công việc này sẽ phải mất đến 10 năm.


Cựu Tư lệnh Hải quân Philippine - ông Ferdinand Golez cho rằng, Philippine không nên lo lắng về việc Trung Quốc có tàu sân bay. Ông Golez nói: “Philippine không cần phải lo ngại về diễn biến này. Tàu sân bay là một công cụ tấn công nhưng tôi không nghĩ Trung Quốc có ý định sử dụng nó để dọa dẫm những nước láng giềng”.


Về phần Mỹ, trước khi tàu sân bay Trung Quốc thực hiện chuyến đi biển thử nghiệm đầu tiên, một phát ngôn viên Lầu Năm Góc cũng bác bỏ việc Trung Quốc đã có bước nhảy lớn trong chương trình phát triển tàu sân bay của nước này. Phát ngôn viên Mỹ cho rằng, đó chỉ là một phần trong nỗ lực hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc.

Theo các nhà phân tích, sự xuất hiện của chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc có thể làm thay đổi phần nào cán cân quyền lực ở khu vực nhưng không thể thách thức được vị trí của Mỹ. Những nhà phân tích này cho rằng, ảnh hưởng từ sự xuất hiện của chiếc tàu sân bay Thi Lang phần lớn chỉ mang tính biểu tượng bởi sẽ phải mất thời gian dài để Trung Quốc hoàn thành các công tác đào tạo, phát triển và diễn tập trước khi tàu sân bay của nước này có thể chiến đấu được.

Trung Quốc đang nóng lòng muốn có tàu sân bay bởi nhiều nước láng giềng Châu Á của họ như Thái Lan và Ấn Độ đều đã sở hữu ít nhất một tàu sân bay.


Kiệt Linh - (theo Chinadaily)

Ý kiến bạn đọc