Tàu chiến Nhật chuẩn bị bắn hạ tên lửa Triều Tiên

16:45, 31/03/2012
|

(VnMedia) - Tàu khu trục Kirishima được trang bị hệ thống chiến đấu tối tân Aegis của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sáng nay (31/3) đã rời căn cứ Yokosuka để đến vùng Biển Đông Hải, chuẩn bị sẵn sàng đối phó với vụ phóng tên lửa sắp tới của Triều Tiên.
 
Tàu Kirishima mang theo những tên lửa đánh chặn và sẽ được triển khai trên biển cùng với hai tàu mang hệ thống chiến đấu tối tân Aegis khác. Bộ ba tàu chiến này đã sẵn sàng phá hủy vệ tinh của Triều Tiên nếu nó rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản, báo chí địa phương cho biết.
 
Hệ thống chiến đấu Aegis được mệnh danh là hệ thống chiến đấu tiên tiến và phức tạp nhất thế giới, là "trái tim" của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo liên lục địa. Hệ thống này do Mỹ phát triển cho Lực lượng Hải quân. Mỹ đã cung cấp những hệ thống chiến đấu siêu việt này cho hải quân các nước đồng minh thân thiết gồm Nhật Bản, Tây Ban Nha, Na Uy, Hàn Quốc và Australia.
 
Trước khi triển khai các tàu chiến, Nhật Bản cũng đã dàn một loạt tên lửa PAC-3 ở quần đảo Sakishima và đảo Miyako để chuẩn bị đối phó với tên lửa của Triều Tiên.
 
Hôm qua (30/3), sau khi nhận được cái “gật đầu” từ nội các của Thủ tướng Yoshihiko Noda, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Naoki Tanaka đã chính thức ra lệnh cho các Lực lượng Vũ trang sẵn sàng bắn hạ tên lửa Triều Tiên nếu nó đe dọa lãnh thổ nước này.
 
"Tôi đã ra lệnh tiêu diệt", AFP dẫn lời ông Tanaka cho biết. Lệnh của Bộ trưởng Tanaka đã bật đèn xanh cho quân đội Nhật Bản bắn hạ tên lửa Triều Tiên nếu thấy cần thiết chứ không còn là lời cảnh báo như trước.
 
Không chỉ Nhật Bản, Hàn Quốc hôm 26/3 cũng đã lên tiếng cảnh báo sẽ bắn hạ tên lửa của Triều Tiên nếu nó bay qua lãnh thổ của nước này.
 
Những tuyên bố sắc lạnh trên của Nhật Bản và Hàn Quốc được đưa ra trong bối cảnh các cường quốc đang sôi sùng sục trước kế hoạch phóng tên lửa tầm xa đưa vệ tinh vào vũ trụ của Bình Nhưỡng.
 
Cách đây khoảng 2 tuần, Triều Tiên đã khiến các nước bất ngờ khi thông báo kế hoạch phóng tên lửa tầm xa đưa vệ tinh vào vũ trụ vào giữa tháng 4 tới nhằm kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Lãnh đạo Kim Nhật Thành. Mặc dù Bình Nhưỡng khẳng định đây là hoạt động phục vụ mục đích hòa bình và nghiên cứu khoa học nhưng Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và nhiều nước khác đã phản ứng rất mạnh trước thông báo phóng vệ tinh của Triều Tiên.
 
Sở dĩ nhiều nước phản ứng mạnh với vụ phóng vệ tinh sắp tới của Triều Tiên vì những nước này tin rằng đây chỉ là vỏ bọc để Triều Tiên thực hiện các vụ thử công nghệ tên lửa tầm xa.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc